Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành

11/11/2021 09:50 AM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT trân trọng giới thiệu đến quý khách hàng quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành

Ngày có hiệu lực

Căn cứ pháp lý

Điều 14. Mức ký quỹ và phương thức ký quỹ

1. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng.

2. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:

a) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng;

b) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng;

c) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.

3. Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Điều 15. Nộp tiền ký quỹ và cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ

1. Khi doanh nghiệp có yêu cầu nộp tiền ký quỹ vào tài khoản tại ngân hàng, ngân hàng nhận ký quỹ và doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng ký quỹ. Trên cơ sở hợp đồng ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện phong tỏa số tiền ký quỹ của doanh nghiệp gửi tại ngân hàng.

2. Hợp đồng ký quỹ có các nội dung chính gồm: Tên, địa chỉ, người đại diện của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, người đại diện của ngân hàng; lý do nộp tiền ký quỹ; số tiền ký quỹ; lãi suất tiền gửi ký quỹ; trả lãi tiền gửi ký quỹ; sử dụng tiền ký quỹ; rút tiền ký quỹ; hoàn trả tiền ký quỹ; trách nhiệm của các bên liên quan và các thỏa thuận khác phù hợp với quy định của pháp luật và không trái với quy định tại Nghị định này.

3. Sau khi phong tỏa số tiền ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

Điều 16. Quản lý, sử dụng tiền ký quỹ

1. Trong trường hợp khách du lịch bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết kịp thời, doanh nghiệp gửi đề nghị giải tỏa tạm thời tiền ký quỹ đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành xem xét và đề nghị ngân hàng cho doanh nghiệp trích tài khoản tiền ký quỹ để sử dụng hoặc từ chối.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền được rút khỏi tài khoản tiền ký quỹ, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có trách nhiệm bổ sung số tiền ký quỹ đã sử dụng để bảo đảm mức ký quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định này. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện, ngân hàng gửi văn bản thông báo cho cơ quan cấp phép để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị hoàn trả tiền ký quỹ đến ngân hàng trong những trường hợp sau đây:

a) Có thông báo bằng văn bản của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành về việc doanh nghiệp không được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc thay đổi ngân hàng nhận ký quỹ;

b) Có văn bản của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành về việc hoàn trả tiền ký quỹ sau khi thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Điều 17. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch

1. Hồ sơ đề nghị cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

b) Bảng kê thông tin về trang thiết bị của từng phương tiện, chất lượng dịch vụ, nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Du lịch;

c) Bản sao giấy đăng ký phương tiện hoặc giấy hẹn nhận giấy đăng ký phương tiện của cơ quan có thẩm quyền, bản sao giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì xuất trình thêm bản sao hợp đồng thuê phương tiện với tổ chức, cá nhân sở hữu phương tiện vận tải hoặc bản sao hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã.

2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp biển hiệu:

a) Đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị kinh doanh đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh;

b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc đối với phương tiện là xe ô tô và 07 ngày làm việc đối với phương tiện thủy nội địa kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải tổ chức thẩm định, cấp biển hiệu cho phương tiện vận tải khách du lịch. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản hoặc qua địa chỉ giao dịch điện tử của đơn vị và nêu rõ lý do;

c) Trong quá trình thẩm định, Sở Giao thông vận tải kiểm tra thông tin về giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện trên hệ thống đăng kiểm Việt Nam; giấy phép kinh doanh vận tải đã cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải; cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình và chỉ cấp biển hiệu khi thiết bị giám sát hành trình của phương tiện đáp ứng đầy đủ các quy định về lắp đặt, truyền dẫn dữ liệu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

3. Biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này, có giá trị 07 năm và không quá niên hạn sử dụng còn lại của phương tiện.

Điều 18. Cấp đổi biển hiệu

1. Các trường hợp cấp đổi biển hiệu:

a) Thay đổi chủ sở hữu phương tiện vận tải khách du lịch hoặc thay đổi đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch;

b) Biển hiệu hết hạn.

2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp đổi biển hiệu thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

Điều 19. Cấp lại biển hiệu

1. Biển hiệu được cấp lại khi bị mất hoặc hư hỏng.

2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp lại biển hiệu:

a) Đơn vị kinh doanh vận tải gửi đơn đề nghị cấp lại biển hiệu theo Mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Nghị định này đến Sở Giao thông vận tải đã cấp biển hiệu cho phương tiện;

b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại biển hiệu, Sở Giao thông vận tải xem xét, cấp lại biển hiệu cho phương tiện vận tải. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản hoặc qua địa chỉ giao dịch điện tử của đơn vị và nêu rõ lý do.

3. Thời hạn sử dụng biển hiệu cấp lại được tính theo thời hạn còn lại của biển hiệu đã bị mất hoặc hư hỏng.

Điều 20. Thu hồi biển hiệu

1. Các trường hợp thu hồi biển hiệu phương tiện thủy nội địa vận tải khách du lịch:

a) Không bảo đảm điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải theo quy định của pháp luật;

b) Phương tiện vận tải bị tai nạn giao thông, không còn bảo đảm trạng thái kỹ thuật hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện bị thu hồi;

c) Cho mượn biển hiệu đã được cấp để gắn vào phương tiện khác.

2. Đối với đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô, việc thu hồi biển hiệu được thực hiện theo quy định của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

3. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thu hồi biển hiệu.

4. Đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại biển hiệu khi có thông báo thu hồi của Sở Giao thông vận tải.

Điều 21. Các loại hình cơ sở lưu trú du lịch

1. Khách sạn: Cơ sở lưu trú du lịch bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch; bao gồm: Khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường, khách sạn nổi và khách sạn thành phố.

a) Khách sạn nghỉ dưỡng: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ, ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp;

b) Khách sạn bên đường: Cơ sở lưu trú du lịch gần đường giao thông, có bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài;

c) Khách sạn nổi: Cơ sở lưu trú du lịch neo đậu trên mặt nước và có thể di chuyển khi cần thiết;

d) Khách sạn thành phố: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng tại các đô thị phục vụ khách du lịch.

2. Biệt thự du lịch: Biệt thự có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê và có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.

3. Căn hộ du lịch: Căn hộ có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.

4. Tàu thủy lưu trú du lịch: Phương tiện vận tải thủy có phòng ngủ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch.

5. Nhà nghỉ du lịch: Cơ sở lưu trú có trang thiết bị, tiện nghi cần thiết phục vụ khách du lịch.

6. Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê: Nhà ở có khu vực được bố trí trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú; khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà.

7. Bãi cắm trại du lịch: Khu vực được quy hoạch ở nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có kết cấu hạ tầng, có cơ sở vật chất và dịch vụ cần thiết phục vụ khách cắm trại.

Điều 22. Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn

1. Có hệ thống điện, hệ thống cấp nước sạch và thoát nước.

2. Có tối thiểu 10 buồng ngủ; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung.

3. Có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường.

4. Có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường.

5. Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

6. Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.

7. Người quản lý, nhân viên được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.

Điều 23. Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với biệt thự du lịch

1. Điều kiện quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 22 Nghị định này.

2. Có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp và phòng tắm, phòng vệ sinh.

Điều 24. Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với căn hộ du lịch

1. Điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 22, khoản 2 Điều 23 Nghị định này.

2. Người quản lý căn hộ được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.

Điều 25. Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với tàu thủy lưu trú du lịch

1. Tàu trong tình trạng tốt, còn hạn đăng kiểm; có áo phao, phao cứu sinh, phương tiện thông tin liên lạc, tủ thuốc cấp cứu ban đầu.

2. Có điện, nước sạch; có thiết bị thu gom rác thải, nước thải bảo đảm vệ sinh môi trường.

3. Có khu vực đón tiếp khách, phòng ngủ (cabin), phòng tắm, phòng vệ sinh, bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống.

4. Điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 22 Nghị định này.

5. Người quản lý, nhân viên phục vụ được tập huấn về nghiệp vụ du lịch, kỹ năng cứu hộ trên sông, biển.

Điều 26. Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà nghỉ du lịch

1. Có điện, nước sạch và hệ thống thoát nước.

2. Có khu vực đón tiếp khách và phòng ngủ; có phòng tắm, phòng vệ sinh.

3. Điều kiện quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 22 Nghị định này.

Điều 27. Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê

1. Có đèn chiếu sáng, nước sạch.

2. Có khu vực lưu trú cho khách; có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh.

3. Có giường, đệm hoặc chiếu; có chăn, gối, màn, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm hoặc chiếu; thay bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

4. Chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.

Điều 28. Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với bãi cắm trại du lịch

1. Có khu vực đón tiếp khách, khu vực dựng lều, trại, phòng tắm, vệ sinh chung.

2. Có nước sạch.

3. Có tủ thuốc cấp cứu ban đầu

4. Có nhân viên bảo vệ trực khi có khách.

5. Điều kiện quy định tại khoản 6 Điều 22 Nghị định này.

Điều 29. Kiểm tra, giám sát điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch

1. Trước khi đi vào hoạt động chậm nhất 15 ngày, cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản tới Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có cơ sở lưu trú du lịch về những nội dung sau:

a) Tên, loại hình, quy mô cơ sở lưu trú du lịch;

b) Địa chỉ cơ sở lưu trú du lịch, thông tin về người đại diện theo pháp luật;

c) Cam kết đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định tại Điều 49 Luật Du lịch và Nghị định này.

2. Căn cứ kế hoạch công tác được phê duyệt hoặc trong trường hợp đột xuất theo quy định của pháp luật, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm tổ chức kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc công tác kiểm tra, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải gửi thông báo bằng văn bản về kết quả kiểm tra đến cơ sở lưu trú du lịch.

Trường hợp cơ sở lưu trú du lịch không đáp ứng điều kiện tối thiểu tương ứng với loại hình cơ sở lưu trú du lịch theo quy định tại Nghị định này, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu cơ sở lưu trú du lịch bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng điều kiện tối thiểu hoặc thay đổi loại hình cơ sở lưu trú du lịch phù hợp. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng điều kiện tối thiểu hoặc thay đổi loại hình cơ sở lưu trú du lịch.

3. Trong trường hợp cơ sở lưu trú nộp hồ sơ đề nghị xếp hạng cùng thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh thì cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Du lịch kết hợp kiểm tra điều kiện tối thiểu và thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.

28/10/2021

Nghị định 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nghị định 168/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Du lịch

Nghị định 94/2021/NĐ-CP sửa đổi Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 53,390

THỦ TỤC CẤP PHÉP KINH DOANH LIÊN QUAN

TIN TỨC LIÊN QUAN

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079