Hộ tịch là gì? 05 điều cần biết về hộ tịch

10/09/2022 17:02 PM

Hộ tịch là gì? Những nội dung đăng ký hộ tịch và thẩm quyền đăng ký hộ tịch được quy định như thế nào? - Bảo Trâm (Long An)

Hộ tịch là gì? 05 điều cần biết về hộ tịch

Hộ tịch là gì? 05 điều cần biết về hộ tịch

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hộ tịch là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Hộ tịch 2014 thì hộ tịch là những sự kiện được quy định về việc xác nhận khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi. cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; khai tử; xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến chết.

2. Nội dung đăng ký hộ tịch

Nội dung đăng ký hộ tịch được quy định tại Điều 3 Luật Hộ tịch 2014 như sau:

- Xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch:

+ Khai sinh;

+ Kết hôn;

+ Giám hộ;

+ Nhận cha, mẹ, con;

+ Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch;

+ Khai tử.

- Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

+ Thay đổi quốc tịch;

+ Xác định cha, mẹ, con;

+ Xác định lại giới tính;

+ Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi;

+ Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn;

+ Công nhận giám hộ;

+ Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

- Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

- Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.

3. Nguyên tắc đăng ký hộ tịch

Theo Điều 5 Luật Hộ tịch 2014 quy định về nguyên tắc đăng ký hộ tịch như sau:

- Tôn trọng và bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân.

- Mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân phải được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác; trường hợp không đủ điều kiện đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Đối với những việc hộ tịch mà Luật Hộ tịch 2014 này không quy định thời hạn giải quyết thì được giải quyết ngay trong ngày; trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.

- Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định.

Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. 

Trường hợp cá nhân không đăng ký tại nơi thường trú thì UBND cấp huyện, UBND cấp xã, Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch cho cá nhân có trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến UBND cấp xã nơi cá nhân đó thường trú.

- Mọi sự kiện hộ tịch sau khi đăng ký vào Sổ hộ tịch phải được cập nhật kịp thời, đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

- Nội dung khai sinh, kết hôn, ly hôn, khai tử, thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại giới tính, xác định lại dân tộc của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch là thông tin đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Bảo đảm công khai, minh bạch thủ tục đăng ký hộ tịch.

4. Thẩm quyền đăng ký hộ tịch

Thẩm quyền đăng ký hộ tịch theo Điều 7 Luật Hộ tịch 2014 được quy định như sau:

4.1. Thẩm quyền đăng ký hộ tịch của UBND cấp xã 

* Đăng ký sự kiện hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, bao gồm:

- Khai sinh;

- Kết hôn;

- Giám hộ;

- Nhận cha, mẹ, con;

- Khai tử.

* Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung thông tin hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;

* Thực hiện các việc hộ tịch như sau:

- Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

+ Thay đổi quốc tịch;

+ Xác định cha, mẹ, con;

+ Xác định lại giới tính;

+ Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi;

+ Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn;

+ Công nhận giám hộ;

+ Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

- Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.

* Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam;

Kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam; khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam.

4.2. Thẩm quyền đăng ký hộ tịch của UBND cấp huyện 

Thẩm quyền UBND cấp huyện trong đăng ký hộ tịch trong các trường hợp sau:

- Đăng ký sự kiện hộ tịch có yếu tố nước ngoài, bao gồm:

+ Khai sinh;

+ Kết hôn;

+ Giám hộ;

+ Nhận cha, mẹ, con;

+ Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch;

+ Khai tử.

- Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc;

- Thực hiện các việc hộ tịch: Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Lưu ý: UBND cấp huyện không có thẩm quyền trong đăng ký hộ tịch với các trường hợp như sau:

Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam;

Kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam; khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam.

4.3. Thẩm quyền đăng ký hộ tịch của cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài 

Cơ quan đại diện đăng ký cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thẩm quyền thực hiện nội dung đăng ký hộ tịch tại mục 2.

5. Lệ phí hộ tịch

Theo Điều 11 Luật Hộ tịch 2014 quy định về lệ phí hộ tịch như sau:

- Miễn lệ phí đăng ký hộ tịch trong những trường hợp sau:

+ Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;

+ Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

- Cá nhân yêu cầu đăng ký sự kiện hộ tịch khác ngoài các trường hợp được miễn, yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch phải nộp lệ phí.

>> Xem thêm: Sổ hộ tịch là gì? Mẫu Sổ hộ tịch và cách ghi

Quốc Đạt

Chia sẻ bài viết lên facebook 69,766

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079