Tố giác tội phạm là gì? Các biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm

13/10/2022 15:00 PM

Tố giác tội phạm là gì? Và người tố giác tội phạm sẽ được pháp luật và cơ quan có thẩm quyền bảo vệ như thế nào? - Thu Mỹ (Cần Thơ)

Tố giác tội phạm là gì? Các biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm]

Tố giác tội phạm là gì? Các biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tố giác tội phạm là gì?

Theo khoản 1 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì tố giác tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

2. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác tội phạm

Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác tội phạm theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

- Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

- Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

+ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

+ Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

- Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

+ Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

+ Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

+ Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

3. Người tố giác tội phạm thuộc đối tượng được bảo vệ

Theo khoản 1 Điều 484 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định những người được bảo vệ như sau:

- Người tố giác tội phạm;

- Người làm chứng;

- Bị hại;

- Người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại.

Như vậy, người tố giác tội phạm thuộc đối tượng được bảo vệ theo quy định.

4. Các biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm

Các biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm theo Điều 486 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

(1) Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp dụng những biện pháp sau đây để bảo vệ họ:

- Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ;

- Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ;

- Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ;

- Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý;

- Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật;

- Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.

(2) Việc áp dụng, thay đổi các biện pháp bảo vệ quy định tại (1) mục này không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.

5. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ với người tố giác tội phạm

Theo Điều 485 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì cơ quan, người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ với người tố giác tội phạm quy định như sau:

5.1. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ với người tố giác tội phạm

- Cơ quan điều tra của Công an nhân dân;

- Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.

5.2. Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ với người tố giác tội phạm 

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Công an nhân dân có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ theo một trong các trường hợp sau:

+ Trong các vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra;

+ Theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp; đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ theo một trong các trường hợp sau:

+ Trong các vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra 

+ Theo đề nghị của Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự cùng cấp; đề nghị của Viện kiểm sát quân sự trung ương.

5.3. Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp 

Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp nếu xét thấy cần áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ thì đề nghị Cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý vụ án hình sự ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ. Đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.

5.4. Thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương

Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương nếu xét thấy cần áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ trong vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra thực hiện:

Báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có văn bản đề nghị với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

>> Xem thêm: Thẩm quyền điều tra trong vụ án hình sự

Bào chữa là gì? Thủ tục đăng ký bào chữa trong vụ án hình sự

Quốc Đạt

Chia sẻ bài viết lên facebook 22,257

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079