Học nghề, tập nghề là gì? Quy định về hợp đồng đào tạo khi học nghề, tập nghề

26/10/2022 11:28 AM

Cho tôi hỏi học nghề, tập nghề là gì? Quy định về vấn đề học nghề, tập nghề hiện nay như thế nào? – Danh Khôi (Bình Dương)

 

Học nghề, tập nghề là gì? Quy định về hợp đồng đào tạo khi học nghề, tập nghề

Học nghề, tập nghề là gì? Quy định về hợp đồng đào tạo khi học nghề, tập nghề

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Học nghề là gì? Tập nghề là gì?

Theo khoản 1, 2 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 thì:

- Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc.

- Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc.

2. Trách nhiệm của NSDLĐ khi tuyển người học nghề, tập nghề

- Tại khoản 3 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì:

+ Không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

+ Không được thu học phí;

+ Phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

- Bên cạnh đó, trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.

- Hết thời hạn học nghề, tập nghề, người sử dụng lao động và người học nghề, tập nghề phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.

(Căn cứ khoản 5, 6 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019)

3. Hợp đồng đào tạo khi học nghề, tập nghề

Căn cứ khoản 3 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

Theo đó, tại Điều 39 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thì hợp đồng đào tạo là sự giao kết bằng lời nói hoặc bằng văn bản về quyền và nghĩa vụ giữa người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, lớp đào tạo nghề, tổ chức, cá nhân với người học tham gia các chương trình đào tạo thường xuyên quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 40 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và trong trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp.

Hợp đồng đào tạo phải có các nội dung sau:

- Tên nghề đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được;

- Địa điểm đào tạo;

- Thời gian hoàn thành khóa học;

- Mức học phí và phương thức thanh toán học phí;

- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng;

- Thanh lý hợp đồng;

- Các thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp thì hợp đồng đào tạo ngoài những nội dung nêu trên còn có các nội dung sau:

- Cam kết của người học về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp;

- Cam kết của doanh nghiệp về việc sử dụng lao động sau khi học xong;

- Thỏa thuận về thời gian và mức tiền công cho người học trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian đào tạo.

4. Độ tuổi của người học nghề, người tập nghề

Khoản 4 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 quy định về độ tuổi của người học nghề, người tập nghề như sau:

- Người học nghề, người tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. 

- Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.

5. Thời gian học nghề, tập nghề

* Thời gian học nghề

Căn cứ khoản 1 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019, thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

Cụ thể, Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 (sửa đổi bởi Luật Giáo dục 2019) quy định về thời gian đào tạo như sau:

- Thời gian đào tạo trình độ sơ cấp được thực hiện từ 03 tháng đến dưới 01 năm học nhưng phải bảo đảm thời gian thực học tối thiểu là 300 giờ học đối với người có trình độ học vấn phù hợp với nghề cần học.

- Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo.

+ Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ quy định cho từng chương trình đào tạo.

+ Người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông.

- Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo niên chế:

+ Từ 02 đến 03 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông;

+ Từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

- Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ cho từng chương trình đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

* Thời gian tập nghề

Theo khoản 2 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 thì thời hạn tập nghề không quá 03 tháng.

Văn Trọng

Chia sẻ bài viết lên facebook 57,213

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079