Hưởng án treo có được đi làm, du lịch ở địa phương khác không?

28/11/2022 17:28 PM

Nếu một người đang hưởng án treo thì có được đi làm hay đi du lịch ở địa phương khác không? - Hòa Hải (Lai Châu)

Hưởng án treo có được đi làm, du lịch ở địa phương khác không?

Hưởng án treo có được đi làm, du lịch ở địa phương khác không? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là án treo?

Theo khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, án treo được hiểu là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm.

Án treo được căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Xem thêm: Án treo là gì? Điều kiện hưởng án treo theo luật hình sự Việt Nam

2. Người hưởng án treo có được đi làm, du lịch ở địa phương khác không?

- Khoản 2 Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 quy định trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. 

Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

- Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019 cũng quy định người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định pháp luật, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. 

Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

Lưu ý: Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; 

Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. 

Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.

 

Như vậy, theo các quy định nêu trên, người đang hưởng án treo có thể đi làm, du lịch tại địa phương khác (nếu các lý do này được xác định là lý do chính đáng và đã được sự đồng ý của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục. 

Thời gian người hưởng án treo đến địa phương khác mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó. 

3. Nghĩa vụ của người được hưởng án treo

Nghĩa vụ của người được hưởng án treo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án hình sự 2019, cụ thể:

- Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Thi hành án hình sự 2019.

- Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

- Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.

- Chấp hành quy định về giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo quy định tại Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019.

- Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

- Hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Trường hợp vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.

5. Việc lao động, học tập của người được hưởng án treo được quy định thế nào?

Theo Điều 88 Luật Thi hành án hình sự 2019, việc lao động, học tập của người được hưởng án treo được quy định như sau:

- Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật.

- Người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.

- Người được hưởng án treo không thuộc 02 trường hợp nêu trên thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú tạo điều kiện tìm việc làm.

- Người được hưởng án treo thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Như Mai

Chia sẻ bài viết lên facebook 17,817

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079