Chính quyền địa phương ở thị trấn gồm những cơ quan nào?

29/01/2023 14:04 PM

Cho tôi hỏi chính quyền địa phương ở thị trấn thì sẽ bao gồm những cơ quan nào? - Khánh Tường (Đồng Nai)

Chính quyền địa phương ở thị trấn gồm những cơ quan nào?

Chính quyền địa phương ở thị trấn gồm những cơ quan nào?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Chính quyền địa phương ở thị trấn gồm những cơ quan nào?

Theo Điều 65 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì chính quyền địa phương ở thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có:

- Hội đồng nhân dân thị trấn;

- Ủy ban nhân dân thị trấn.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương ở thị trấn

* Nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương ở thị trấn theo Điều 66 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 như sau:

- Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn thị trấn.

- Quyết định những vấn đề của thị trấn trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền.

- Chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương ở huyện về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thị trấn.

- Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn thị trấn.

* Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nhân dân thị trấn theo Điều 68 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi 2019) như sau:

- Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thị trấn.

- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thị trấn; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân thị trấn.

- Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của thị trấn trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt. 

Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách thị trấn; điều chỉnh dự toán ngân sách thị trấn trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách thị trấn. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

- Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân thị trấn; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

- Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân thị trấn bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.

- Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu.

- Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn.

* Nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban nhân dân thị trấn theo Điều 70 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 như sau:

- Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thị trấn quyết định các nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 68 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân thị trấn.

- Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền.

3. Cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương ở thị trấn

Theo Điều 67 và Điều 69 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi 2019) quy định về Hội đồng nhân dân thị trấn và Uỷ ban nhân dân thị trấn như sau:

3.1. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân thị trấn

- Hội đồng nhân dân thị trấn gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở thị trấn bầu ra.

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.

- Thường trực Hội đồng nhân dân thị trấn gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thị trấn. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị trấn là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

- Hội đồng nhân dân thị trấn thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - xã hội. Ban của Hội đồng nhân dân thị trấn gồm Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các Ủy viên. 

Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân thị trấn quyết định. Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân thị trấn hoạt động kiêm nhiệm.

3.2. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân thị trấn

- Ủy ban nhân dân thị trấn gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.

- Ủy ban nhân dân thị trấn loại I, loại II có không quá hai Phó Chủ tịch; thị trấn loại III có một Phó Chủ tịch.

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,443

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079