Mua, vay trả góp không thanh toán đúng hạn bị xử lý thế nào?

06/02/2023 17:25 PM

Tôi hiện đang mua hàng trả góp nhưng đến hạn chưa kịp thanh toán thì có bị phạt không? - Đức Trung (Kiên Giang)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là mua, vay trả góp?

Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay trả góp là hình thức cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đối với khách hàng.

Theo đó công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận trả nợ gốc và lãi tiền vay theo nhiều kỳ hạn.

Hiện nay, hình thức mua, vay trả góp thường thực hiện thông qua hợp đồng vay trả góp, áp dụng khi giao dịch mua sắm hàng hóa, sản phẩm… giữa người vay với công ty tài chính. 

Một trong những yêu cầu bắt buộc thể hiện trong hợp đồng mua, vay trả góp là trả nợ và lãi suất đúng hạn. 

Mua, vay trả góp không thanh toán đúng hạn bị xử lý thế nào?

Mua, vay trả góp không thanh toán đúng hạn bị xử lý thế nào?

2. Mua, vay trả góp không thanh toán đúng hạn bị xử lý thế nào?

2.1 Phải nộp thêm lãi chậm trả khoản vay

Khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

- Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

- Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Như vậy, theo quy định nêu trên, người vay trả góp không thực hiện trả nợ đúng hạn khi đến hạn trả góp mà thì sẽ phải trả lãi chậm trả theo thoả thuận ghi trong hợp đồng vay trả góp giữa người vay và công ty tài chính.

2.2 Không thanh toán đúng hạn, người vay trả góp có thể bị nợ xấu

Theo khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ xấu (NPL) là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5 quy định tại Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, với khoản nợ quá hạn từ 91 ngày trở lên.

Nếu khách hàng bị đưa vào danh sách nhóm nợ xấu, thì có thể sẽ không được xét duyệt cho vay các khoản vay sau này.

Xem thêm: Bị nợ xấu có vay tiền được không?

Khoản 1 Điều 11 Thông tư 03/2013/TT-NHNN cũng quy định thông tin nợ xấu được lưu trữ trong thời gian tối đa 05 năm trừ trường hợp theo chính sách cung cấp thông tin của CIC (Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam - Credit Information Centre).

2.3 Quá hạn trả nợ có thể bị công ty tài chính giục nợ

Hiện nay, có rất nhiều trường hợp khi mua, vay trả góp, đến hạn và quá hạn trả nợ, khách hàng sẽ bị công ty tài chính gọi điện thoại, gửi thông báo giục nợ. 

Cụ thể, khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; 

Đồng thời, không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật;

2.4 Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại người không thanh toán trả góp đúng hạn

Điều 25 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp tổ chức tín dụng hoặc khách hàng không thực hiện đúng nội dung trong thỏa thuận cho vay, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

Tổ chức tín dụng và khách hàng có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. 

Trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

2.5 Không thanh toán trả góp đúng hạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 

Trong trường hợp người mua, vay trả góp cố tình không thanh toán nợ, có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể: 

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người có hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

Đồng thời áp dụng cùng mức phạt với hành vi không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;

2.6 Truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi cố tình không thanh toán nợ đúng hạn

Người có hành vi mua, vay trả góp nhưng không thực hiện trả nợ đúng hạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự, theo đó:

- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

+ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

- Mức phạt tối đa đối với tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chia sẻ bài viết lên facebook 32,197

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079