Ăn trái cây, uống thuốc có bị xử phạt nồng độ cồn?

29/03/2023 10:10 AM

Tôi có ăn trái cây trước khi tham gia giao thông, khi bị kiểm tra thì xác định có nồng độ cồn trong hơi thở. Vậy trong trường hợp này thì tôi có bị xử phạt không? - Hoài Phúc (Khánh Hòa)

Ăn trái cây, uống thuốc có bị xử phạt nồng độ cồn?

Ăn trái cây, uống thuốc có bị xử phạt nồng độ cồn? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin giải đáp như sau:

Ăn trái cây, uống thuốc có bị xử phạt nồng độ cồn?

Tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 quy định: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.” là hành vi bị nghiêm cấm. 

Vậy nếu trong trường hợp ăn trái cây, uống thuốc dẫn đến nồng độ cồn trong hơi thở tăng thì việc có xử phạt không được quy định như sau:

Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính

Tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, trước khi ra quyết định xử phạt hành chính, người có thẩm quyền có thể xem xét xác minh tình tiết như sau:

- Có hay không có vi phạm hành chính.

- Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính.

- Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

- Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra.

- Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

- Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.

Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.

Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được thể hiện bằng văn bản.

Quyền được giải trình

Căn cứ vào Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định như sau:

“1. Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc quy định mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.”

Theo đó tại quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP điểm c khoản 6, điểm c khoản 8, điểm a khoản 10, điểm e, g, h khoản 11 Điều 5, các hành vi vi phạm về nồng độ cồn sẽ áp dụng biện pháp bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe. Tùy theo mức độ vi phạm mà thời hạn này sẽ kéo dài theo hành vi.

Vì vậy, người vi phạm trong trường hợp này có quyền được giải trình.

Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính để ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình.

Trình tự giải trình

- Đối với trường hợp giải trình bằng văn bản, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền xử phạt có thể gia hạn nhưng không quá 05 ngày làm việc theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm.

Việc gia hạn của người có thẩm quyền xử phạt phải bằng văn bản.

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính tự mình hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện việc giải trình bằng văn bản.

- Đối với trường hợp giải trình trực tiếp, cá nhân, tổ chức, vi phạm hành chính phải gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm.

Người có thẩm quyền xử phạt tổ chức phiên giải trình trực tiếp và có trách nhiệm nêu căn cứ pháp lý, tình tiết, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính, bình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến áp dụng đối với hành vi vi phạm.

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, người đại diện hợp pháp của họ có quyền tham gia phiên giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Việc giải trình trực tiếp được lập thành biên bản và phải có chữ ký của các bên liên quan; trường hợp biên bản gồm nhiều trang thì các bên phải ký vào từng trang biên bản.

Biên bản phải được lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc người đại diện hợp pháp của họ 01 bản.

Tóm lại, nếu người điều khiển phương tiện giao thông xác định có nồng độ do ăn trái cây, uống thuốc thì hoàn toàn có quyền giải trình về hành vi của mình. Người có thẩm quyền sẽ có nghiệp vụ xác định nồng độ cồn là do bia rượu hay do ăn trái cây, uống thuốc.

Mức phạt đối với vi phạm về nồng độ cồn

Trong trường hợp ăn trái cây, uống thuốc dẫn đến nồng độ cồn trong hơi thở tăng cao, người vi phạm có thể áp dụng các phương thức trên để giải trình và xác minh vụ việc.

Còn đối với các trường hợp cố tình sử dụng rượu, bia gây vi phạm nồng độ cồn thì sẽ áp dụng các mức xử phạt được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Chi tiết có thể theo dõi bài viết sau: Mức phạt nồng độ cồn mới nhất năm 2023

 

Lê Vũ Trang Nhi

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,838

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079