Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

15/07/2023 11:00 AM

Cho tôi hỏi thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định như thế nào? - Bích Phương (Tiền Giang)

Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020) như sau:

- Khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có), tình trạng, chất lượng của vật, tiền, hàng hoá, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và phải có chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến;

Trường hợp người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay trước mặt người bị xử phạt, đại diện tổ chức bị xử phạt hoặc người chứng kiến. Việc niêm phong phải được ghi nhận vào biên bản.

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang bị tạm giữ, người có thẩm quyền xử phạt thấy tình trạng tang vật, phương tiện có thay đổi so với thời điểm ra quyết định tạm giữ thì phải lập biên bản về những thay đổi này; biên bản phải có chữ ký của người lập biên bản, người có trách nhiệm tạm giữ và người chứng kiến.

- Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu phải được quản lý và bảo quản theo quy định của Chính phủ.

- Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu

Theo Điều 6 Nghị định 138/2021/NĐ-CP thì nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ như sau:

(1)  Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là nhà, kho, bến, bãi, cảng, khu vực vùng nước cảng biển, trụ sở cơ quan hoặc nơi khác do người có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu quyết định và phải bảo đảm các điều kiện theo quy định tại (2), (3) và (4) mục này.

Nơi tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ là trụ sở cơ quan của người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ.

(2) Điều kiện đối với nơi tạm giữ là nhà, kho, bãi:

- Phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự; có hệ thống hàng rào bảo vệ, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy;

- Phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí. Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng;

- Có hệ thống thiết bị chiếu sáng; trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu;

- Đối với nhà, kho sử dụng để quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ, chất độc, chất phóng xạ phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống cháy, nổ, phòng độc, chống phóng xạ, phòng ngừa sự cố môi trường.

(3) Điều kiện đối với nơi tạm giữ là bến, cảng và khu vực vùng nước cảng biển:

- Phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy và các điều kiện quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định 138/2021/NĐ-CP trong phạm vi nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu;

- Đối với nơi tạm giữ là bến thủy nội địa, khu vực vùng nước cảng biển thì ngoài điều kiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 138/2021/NĐ-CP, còn phải có thiết bị neo đậu phương tiện, có nội quy hoạt động ra, vào bến và khu vực vùng nước cảng biển, sắp xếp, neo đậu phương tiện.

(4) Đối với nơi tạm giữ là trụ sở cơ quan thì phải có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm khô ráo, thoáng khí; có hệ thống thiết bị chiếu sáng, trang bị phương tiện, thiết bị phù hợp.

(5) Bố trí nơi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ, tịch thu:

- Bố trí nơi tạm giữ chung: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định xây dựng nơi tạm giữ tang vật, phương tiện chung của nhiều cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu ở địa phương mình với hình thức, quy mô thiết kế xây dựng đáp ứng yêu cầu để quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện trên cơ sở đề nghị của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu;

- Bố trí nơi tạm giữ riêng: Đối với cơ quan thường xuyên phải tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu thi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức xây dựng nơi tạm giữ riêng cho cơ quan đó;

- Trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu chưa đủ điều kiện để xây dựng nơi tạm giữ hoặc quy mô xây dựng, điều kiện an toàn nơi tạm giữ không đủ, không bảo đảm để quản lý, bảo quản hết tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu thì cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện có thể thuê nơi tạm giữ. 

Mức thuê, giá thuê theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức giá theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khi thuê nơi tạm giữ phải ký kết hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự;

- Trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu với số lượng ít hoặc tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là những vật nhỏ, gọn mà xét thấy không cần thiết phải chuyển đến nơi tạm giữ là nhà, kho, bến, bãi thì người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện có thể quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện đó tại trụ sở cơ quan của mình. 

Trong trường hợp này, người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải bố trí và giao tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu cho người trực tiếp quản lý để quản lý, bảo quản.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức quản lý nơi tạm giữ chung hoặc giao cho một cơ quan quản lý. Cơ quan có nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu hoặc được giao quản lý nơi tạm giữ chung phải bố trí người làm nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, cụ thể như sau:

+ Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là nơi tạm giữ riêng của một cơ quan thì thủ trưởng cơ quan đó bố trí người làm nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu;

+ Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là nơi tạm giữ chung của nhiều cơ quan khác nhau ở địa phương thì việc bố trí người làm nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trên cơ sở đề xuất thống nhất giữa các cơ quan ở địa phương.

Chia sẻ bài viết lên facebook 26,145

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079