Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu công trình chuyên ngành hàng không tại sân bay

27/03/2024 18:15 PM

Cho tôi hỏi phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu công trình chuyên ngành hàng không tại sân bay được quy định như thế nào? – Hoàng Phi (Hải Dương)

Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu công trình chuyên ngành hàng không tại sân bay

Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu công trình chuyên ngành hàng không tại sân bay (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Căn cứ lập hồ sơ mời thầu

Theo khoản 1,2 Điều 17 Thông tư 23/2021/TT-BGTVT quy định về căn cứ lập hồ sơ mời thầu như sau:

- Căn cứ lập hồ sơ mời thầu:

+ Danh mục dự án đã được công bố theo quy định;

+ Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư;

+ Quy định hiện hành của pháp luật về hàng không, đất đai, đầu tư, xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan.

- Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu.

Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu công trình chuyên ngành hàng không tại sân bay

Căn cứ Điều 18 Thông tư 23/2021/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu như sau:

Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu được thể hiện thông qua tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu, bao gồm:

- Căn cứ yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm được phê duyệt theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 23/2021/TT-BGTVT, tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá về năng lực, kinh nghiệm được cập nhật hoặc bổ sung (nếu cần thiết). Trường hợp liên danh, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh; nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên trong liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh.

- Tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá về kỹ thuật:

+ Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật: đề xuất của nhà đầu tư về kế hoạch và phương pháp triển khai thực hiện dự án; đề xuất của nhà đầu tư về phương án tổ chức vận hành, quản lý và cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

+ Đề xuất của nhà đầu tư về kế hoạch và phương pháp triển khai thực hiện dự án bao gồm các nội dung sau: chứng minh sự hiểu biết về hiện trạng; dự báo tăng trưởng sản lượng; mục tiêu của dự án theo quy hoạch được duyệt; quy mô dự án, phương án thiết kế; phương án kỹ thuật, công nghệ của dự án; kế hoạch, tiến độ thực hiện dự án, thời gian xây dựng; phương án giảm thiểu tác động môi trường; đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư phải có phương án phối hợp với Cảng vụ Hàng không nơi thực hiện dự án để làm việc với Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và để Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của lô đất xây dựng dự án cho Cảng vụ Hàng không; phương án kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, môi trường) của dự án với hạ tầng chung của cảng hàng không, sân bay; lập bản vẽ tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 trong phạm vi ranh giới dự án bằng kinh phí của nhà đầu tư; phương án về phòng cháy, chữa cháy; an ninh, an toàn tại cảng hàng không, sân bay; các giải pháp, biện pháp, trang bị phương tiện phòng chống cháy, nổ; tổ chức bộ máy quản lý hệ thống phòng chống cháy nổ theo quy định; thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư.

+ Đề xuất của nhà đầu tư về phương án tổ chức vận hành, quản lý và cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay bao gồm các nội dung sau: phương án bảo đảm đáp ứng các các điều kiện kinh doanh, khai thác dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật về hàng không; phương án tổ chức vận hành, quản lý và cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không của nhà đầu tư đáp ứng mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng hàng không, sân bay; phương án phối hợp với Nhà chức trách hàng không, Người khai thác cảng trong quá trình cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không của nhà đầu tư, bảo đảm an ninh, an toàn tại cảng hàng không, sân bay; phương án giám sát để bảo đảm cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không ổn định, liên tục, đạt chất lượng.

- Phương pháp đánh giá về kỹ thuật:

+ Sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000 để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, trong đó phải quy định mức điểm tối thiểu và mức điểm tối đa đối với từng tiêu chuẩn tổng quát, tiêu chuẩn chi tiết. Khi xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật phải quy định mức điểm tối thiểu để được đánh giá là đáp ứng yêu cầu nhưng không được thấp hơn 70% tổng số điểm về kỹ thuật và điểm của từng nội dung yêu cầu về kế hoạch và phương pháp triển khai thực hiện dự án; về phương án tổ chức vận hành, quản lý và cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay không thấp hơn 60% điểm tối đa của nội dung đó tùy thuộc vào quy mô, tính chất của từng dự án cụ thể.

+ Cơ cấu về tỷ trọng điểm tương ứng với các nội dung quy định tại điểm a khoản này phải phù hợp với từng dự án cụ thể nhưng phải bảo đảm tổng tỷ trọng điểm bằng 100%.

- Tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá về tài chính - thương mại:

+ Tiêu chuẩn đánh giá về tài chính - thương mại bao gồm: tiêu chuẩn về tổng chi phí thực hiện dự án (M1); tiêu chuẩn về giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (M1), đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng (M2); tiêu chuẩn về hiệu quả đầu tư (M3).

Trong đó:

++ M1 là tổng chi phí thực hiện dự án do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu căn cứ nội dung m1 được xác định trong hồ sơ mời thầu;

++ M2 là giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu căn cứ nội dung m2 được xác định trong hồ sơ mời thầu.

Lưu ý: Trường hợp giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt thấp hơn giá trị M2 thì phần chênh lệch sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp cao hơn giá trị M2 thì nhà đầu tư phải bù phần thiếu hụt, giá trị phần thiếu hụt được tính vào vốn đầu tư của dự án.

Nhà đầu tư sẽ được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền khấu trừ giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án được phê duyệt vào tiền thuê đất nhưng không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng còn lại theo phương án được phê duyệt chưa được trừ vào tiền thuê đất phải nộp (nếu có) thì được tính vào vốn đầu tư của dự án.

++ M3 là giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

+ Phương pháp đánh giá về tài chính - thương mại:

++ Sử dụng phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước để đánh giá về tài chính - thương mại. Đối với các hồ sơ dự thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thì căn cứ vào đề xuất hiệu quả đầu tư để so sánh, xếp hạng. Hiệu quả đầu tư được đánh giá thông qua tiêu chí nhà đầu tư đề xuất nộp ngân sách nhà nước bằng tiền, ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành (M3).

++ Nhà đầu tư có đề xuất tổng chi phí thực hiện dự án (M1) không thấp hơn m1 (M1 ≥ m1); giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (M2) không thấp hơn m2 ( M2 ≥ m2) đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng; giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành (M3) không thấp hơn giá sàn m3 và cao nhất được xếp thứ nhất, được xem xét đề nghị trúng thầu.

Như vậy, việc đánh giá hồ sơ dự thầu công trình chuyên ngành hàng không tại sân bay được thực hiện theo phương pháp nêu trên.

Đoàn Đức Tài

Chia sẻ bài viết lên facebook 564

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079