Khi nào bị cáo được đặt câu hỏi cho bị cáo khác tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự?

11/04/2024 12:00 PM

Tôi muốn hỏi khi nào bị cáo được đặt câu hỏi cho bị cáo khác tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự? – Xuân Trường (Long An)

Khi nào bị cáo được đặt câu hỏi cho bị cáo khác tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự?

Khi nào bị cáo được đặt câu hỏi cho bị cáo khác tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Khi nào bị cáo được đặt câu hỏi cho bị cáo khác tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự?

Theo quy định, bị cáo có quyền được đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;

Nếu bị cáo muốn đặt câu hỏi với bị cáo khác về các vấn đề có liên quan đến bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ hình sự thì phải có sự đồng ý của tọa phiên toà.

Ngoài ra, bị cáo cũng có thể hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ về các vấn đề có liên quan đến minh khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý.

Như vậy, khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo được đặt câu hỏi với bị cáo khác về các vấn đề có liên quan đến bị cáo.

(Điểm i khoản 2 Điều 61; khoản 3 Điều 309 và Điều 310 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi 2021)

Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi 2021).

(Khoản 1 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi 2021)

Ai có quyền hỏi bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự?

Cụ thể, Hội đồng xét xử hỏi được quyền hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.

Kiểm sát viên sẽ hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội và những tình tiết khác của vụ án.

Người bào chữa được hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa và tình tiết khác của vụ án.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hỏi bị cáo về những tình tiết liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự.

Như vậy, Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được quyền hỏi bị cáo về các vấn đề liên quan đến vụ án hình sự tại phiên tòa xét xử.

(Khoản 2 Điều 309 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

Bị cáo có những quyền gì theo pháp luật tố tụng hình sự?

Theo khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 bị cáo sẽ có các quyền sau đây:

- Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi 2021;

- Tham gia phiên tòa;

- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

- Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa;

- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

- Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

- Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

- Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;

- Nói lời sau cùng trước khi nghị án;

- Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;

- Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,255

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079