Yêu cầu chủ yếu về thiết kế công trình thủy lợi theo QCVN 04-05:2022/BNNPTNT

22/04/2024 16:30 PM

Xin cho tôi hỏi yêu cầu chủ yếu về thiết kế công trình thủy lợi theo QCVN 04-05:2022/BNNPTNT gồm những gì? - Phúc Tuấn (Đồng Nai)

Yêu cầu chủ yếu về thiết kế công trình thủy lợi theo QCVN 04-05:2022/BNNPTNT (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau: 

1. Yêu cầu chủ yếu về thiết kế công trình thủy lợi theo QCVN 04-05:2022/BNNPTNT

Theo quy định Tiểu mục 2.2 Mục 2 QCVN 04-05:2022/BNNPTNT, các yêu cầu chủ yếu về thiết kế công trình thủy lợi phòng chống thiên tai bao gồm:

(1) Lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi và Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình phải căn cứ vào quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng tài nguyên nước của vùng có liên quan đến dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đề xuất phương án khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước.

(2) Lựa chọn trình tự khai thác bậc thang cho hồ chứa phải dựa trên quy hoạch bậc và sơ đồ trình tự xây dựng bậc thang đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

(3) Phải đảm bảo trả về hạ lưu lưu lượng và chế độ dòng chảy phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và các đối tượng dùng nước đang hoạt động, kể cả đối tượng đã được đưa vào kế hoạch xây dựng trong tương lai gần như cấp thêm nước cho các công trình ở hạ lưu, yêu cầu giao thông thủy trong mùa khô.

(4) Khi thiết kế cần xem xét khả năng và tính hợp lý về kinh tế - kỹ thuật trên các mặt sau đây:

- Khả năng kết hợp thêm một số chức năng trong một hạng mục công trình. Có kế hoạch đưa công trình vào khai thác từng phần nhằm sớm phát huy hiệu quả đầu tư;

- Cơ cấu lại các công trình hiện có và đề xuất các giải pháp cải tạo, khắc phục để chúng phù hợp và hài hòa với dự án mới được đầu tư;

- Quy chuẩn hóa bố trí thiết bị, kết cấu, kích thước và phương pháp thi công xây lắp nhằm đẩy nhanh tiến độ, hạ giá thành và tạo thuận lợi cho quản lý khai thác sau này;

- Tận dụng đầu nước được tạo ra ở các đầu mối thủy lợi và trên đường dẫn để phát điện và cho các mục đích khác;

- Áp dụng công nghệ tiên tiến về vật liệu, kết cấu và bố trí công trình.

(5) Đảm bảo sự hài hòa về kiến trúc thẩm mỹ của từng công trình trong hệ thống công trình đầu mối và sự hòa nhập của chúng với cảnh quan khu vực. Trong mọi trường hợp thiết kế đều phải đảm bảo duy trì các điều kiện bảo vệ thiên nhiên, vệ sinh môi trường sinh thái và nghiên cứu khả năng kết hợp tạo thành điểm du lịch, nghỉ dưỡng ...

(6) Xác định rõ điều kiện và phương pháp thi công, thời gian xây dựng hợp lý phù hợp với lịch khai thác sinh lợi, khả năng cung ứng lao động, vật tư, thiết bị, vật liệu xây dựng, giao thông thủy bộ và nguồn lực tự nhiên trong khu vực dự án phục vụ xây dựng. Kết hợp giữa thi công cơ giới và thủ công một cách hợp lý. Phải sử dụng tối đa ở mức có thể nguồn vật liệu để khai thác và sẵn có ở khu vực xây dựng công trình.

(7) Giám sát thường xuyên tình trạng công trình và trang thiết bị trong thời gian thi công cũng như trong suốt quá trình khai thác sau này.

(8) Thiết kế và thi công xây dựng công trình thủy lợi trên các sông suối có giao thông thủy phải đảm bảo những điều kiện cần thiết để các phương tiện giao thông thủy có thể qua lại được.

(9) Giải quyết vấn đề di dân, tái định cư, đền bù thiệt hại về sản xuất, tài sản, cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng bị ngập để lấy mặt bằng xây dựng công trình theo nguyên tắc môi trường và điều kiện sống nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn, ngày càng ổn định và phát triển hơn.

(10) Các công trình chủ yếu cấp đặc biệt, cấp I, cấp II phải bố trí thiết bị quan trắc để đánh giá mức độ bền vững công trình, phát hiện kịp thời những hư hỏng, khuyết tật nếu có để quyết định biện pháp sửa chữa, phòng ngừa sự cố và cải thiện điều kiện khai thác. Bố trí các thiết bị quan trắc phải có đủ số lượng để đánh giá được trạng thái công trình tại các khu vực chịu tải lớn và các vị trí kết cấu chịu lực lớn.

(11) Khi thiết kế xây dựng công trình cấp đặc biệt và cấp I phải tiến hành một số nghiên cứu thực nghiệm để đối chứng, hiệu chỉnh, chính xác hoá các thông số kỹ thuật và tăng thêm đo tin cậy cho đồ án như: các nghiên cứu về nền móng, vật liệu xây dựng, chế độ thủy lực, thấm, tình trạng làm việc của các kết cấu phức tạp, chế độ nhiệt trong bê tông, chế độ làm việc của thiết bị, hiệu quả của việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới v.v... Đối tượng về phạm vi nghiên cứu thực nghiệm tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể của từng công trình về được đề xuất ngay trong giai đoạn đầu của dự án. Công tác này cũng được phép áp dụng cho hạng mục công trình cấp thấp hơn khi trong thực tế chưa có hình mẫu xây dựng tương tự.

(12) Khi thiết kế xây dựng công trình thủy lợi dạng khối lớn phải xem xét phân bổ hợp lý vật liệu trong thân công trình, phù hợp với trạng thái ứng suất, biến dạng, yêu cầu chống thấm v.v... nhằm giảm giá thành mà vẫn đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật.

(13) Khi thiết kế sửa chữa, phục hồi, nâng cấp và mở rộng công trình thủy lợi phải đáp ứng thêm các yêu cầu sau:

- Xác định rõ mục tiêu sửa chữa, phục hồi, nâng cấp, mở rộng công trình như sửa chữa để công trình hoạt động bình thường hoặc kéo dài thời gian hoạt động trên cơ sở công trình hiện tại, hoặc cải thiện điều kiện quản lý vận hành, tăng mức bảo đảm, nâng cao năng lực phục vụ, cải thiện môi trường v.v…;

- Trong thời gian tiến hành cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình không được gây ra những ảnh hưởng bất lợi quá mức cho các hộ đang dùng nước, cần nghiên cứu sử dụng lại công trình cũ ở mức tối đa;

- Cần thu thập đầy đủ các tài liệu đã có của công trình cần sửa chữa, phục hồi, nâng cấp về khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý, quan trắc, những sự cố đã xảy ra, kết hợp với các nghiên cứu khảo sát chuyên ngành để đánh giá đúng chất lượng, tình trạng kỹ thuật, trang thiết bị, nền và công trình v.v.... làm cơ sở cho việc lựa chọn các giải pháp phù hợp.

(14) Các công trình điều tiết nước như hồ chứa nước, cống điều tiết đều phải có quy trình vận hành điều tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung quy trình phải đạt được các yêu cầu sau:

- Cấp nước đảm bảo hài hoà lợi ích của các đối tượng sử dụng nước tương ứng với năm thừa nước, đủ nước và năm ít nước;

- Đảm bảo điều tiết theo yêu cầu phòng chống lũ cho hồ chứa nước và phòng chống lũ cho hạ lưu đối với hồ chứa có nhiệm vụ phòng chống lũ; đảm bảo mục tiêu kiểm soát độ mặn đối với cống ngăn mặn.

2. Yêu cầu chung đối với đập chắn nước như thế nào?

- Tính toán thiết kế đập phải đảm bảo an toàn về độ bền và độ ổn định của thân đập, nền đập và hai vai đập trong trường hợp thiết kế và kiểm tra. Hệ số an toàn về ổn định, độ bền, biến dạng chung và cục bộ của đập và nền theo quy định. Các giá trị ổn định và độ bền về thấm phải nằm trong phạm vi giá trị cho phép.

- Kiểu và kết cấu đập cần lựa chọn trên cơ sở so sánh kinh tế - kỹ thuật các phương án, tùy thuộc vào nhiệm vụ, thông số của công trình, điều kiện tự nhiên tại chỗ (khí hậu, thủy văn, địa hình, địa chất công trình, kiến tạo khu vực và động đất, vật liệu xây dựng tại chỗ v.v....), bố trí tổng thể của cụm đầu mối, sơ đồ tổ chức thi công, thời hạn thi công, điều kiện khai thác đập, nguồn nhân lực, vật liệu và trang thiết bị thi công.

(Tiểu mục 2.6 Mục 2 QCVN 04-05:2022/BNNPTNT)

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,115

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079