Lương khoán là gì? Hướng dẫn tính lương khoán năm 2024

24/04/2024 12:15 PM

Xin cho tôi hỏi lương khoán là gì? Cách tính lương khoán năm 2024 như thế nào? - Tiến Anh ( Bình Dương)

Lương khoán là gì? Hướng dẫn tính lương khoán năm 2024

Lương khoán là gì? Hướng dẫn tính lương khoán năm 2024 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Lương khoán là gì?

Theo Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 quy định hình thức trả lương như sau:

- Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.

- Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.

Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.

Ngoài ra tại điểm c khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

Như vậy, có thể thấy lương khoán là khoản tiền lương được người sử dụng lao động trả cho người lao động dựa trên chất lượng công việc, khối lượng công việc và thời gian hoàn thành công việc được giao.

Hiện nay, lương khoán được sử dụng phổ biến trong các công việc mang tính chất thời vụ, tạm thời.

Hướng dẫn tính lương khoán

Như đã phân tích ở trên, tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

Do đó cách tính lương khoán theo sản phẩm như sau: Lương khoán = Mức lương khoán x Tỷ lệ % sản phẩm hoàn thành

Ví dụ: Lao động A được thuê gia công 10 bộ bàn ghế trong vòng 1 tháng, với mức lương lương khoán cho 10 bộ bàn ghế hoàn thành (đúng mẫu mã, chất lượng thỏa thuận) lao động A sẽ được trả 10 triệu đồng.

Sau 1 tháng lao động A hoàn thành toàn bộ 10 bộ bàn ghế, A sẽ nhận được toàn bộ số tiền làm khoán theo thỏa thuận là 100% x 10 triệu = 10 triệu đồng.

Trường hợp sau 1 tháng mà A chỉ hoàn thành 5 bộ bàn ghế (tương đương 50% công việc thỏa thuận) thì lương khoán A nhận được là 50% x 10 triệu = 5 triệu đồng.

Kỳ hạn trả lương khoán

Căn cứ khoản 3 và 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định kỳ hạn trả lương khoán như sau:

Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Nguyên tắc trả lương

Cụ thể tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định nguyên tắc trả lương bao gồm:

- Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

- Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,671

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079