Hướng dẫn xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu

05/09/2024 15:00 PM

Nội dung bài viết hướng dẫn xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu theo quy định pháp luật hiện hành.

Hướng dẫn xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu

Hướng dẫn xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu (Hình ảnh từ Internet)

1. Hướng dẫn xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu

Tại Điều 23 Nghị định 118/2020/NĐ-CP hướng dẫn xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu như sau:

- Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu, thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm trong vụ việc có nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm, thì các cá nhân, tổ chức vi phạm đều có trách nhiệm trong việc nộp khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước theo tỷ lệ do người có thẩm quyền xử phạt quyết định, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm có sự thống nhất, thỏa thuận bằng văn bản gửi đến người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật dân sự, thì xử lý như sau:

+ Bên nhận thế chấp được nhận lại tang vật, phương tiện hoặc trị giá tương ứng với nghĩa vụ được bảo đảm; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước;

+ Bên nhận thế chấp có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản kết quả xử lý tài sản bảo đảm cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xử lý tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp tịch thu. Trường hợp tài sản bảo đảm sau khi được xử lý có giá trị lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm, mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chưa nộp đủ khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước, thì bên nhận thế chấp có nghĩa vụ chuyển phần giá trị chênh lệch của tài sản bảo đảm vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có thông báo bằng văn bản kết quả xử lý tài sản bảo đảm;

+ Bên nhận thế chấp không thực hiện nghĩa vụ chuyển phần giá trị chênh lệch của tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp tịch thu trong thời hạn quy định, thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng hoặc lĩnh vực khác có liên quan.

- Tùy theo loại tang vật, phương tiện cụ thể, việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm để xác định khoản tiền tương đương mà cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp vào ngân sách nhà nước dựa trên một trong các căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có trách nhiệm xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm.

Trường hợp không thể áp dụng được căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải thành lập Hội đồng định giá. Việc thành lập Hội đồng định giá được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

- Hình thức, thủ tục thu, nộp khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định 118/2021/NĐ-CP.

2. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi khoản 34 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020) quy định thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

- Đối với vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;

- Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;

- Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức liên quan nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ bài viết lên facebook 184

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079