Xác minh tài sản thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên (Hình từ internet)
Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập xác minh tài sản thu nhập khi có một trong các căn cứ sau đây:
(1) Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản thu nhập không trung thực;
(2) Có biến động tăng về tài sản thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;
(3) Có tố cáo về việc kê khai tài sản thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo 2018;
(4) Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên;
(5) Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 Luật Phòng chống tham nhũng 2018.
Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh và việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản thu nhập hằng năm của Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập quy định tại điểm (4).
(Điều 41 Luật Phòng chống tham nhũng 2018)
Việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh theo kế hoạch hằng năm phải căn cứ vào các tiêu chí được quy định tại Điều 16 Nghị định 130/2020/NĐ-CP sau đây:
- Người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản thu nhập hằng năm.
- Người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản thu nhập trong thời gian 04 năm liền trước đó.
- Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người đang bị điều tra, truy tố, xét xử;
+ Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận;
+ Người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.
- Căn cứ xây dựng kế hoạch:
+ Tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở các ngành, lĩnh vực và địa phương;
+ Các yêu cầu, chỉ đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng;
+ Định hướng xây dựng kế hoạch xác minh do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31 tháng 10 hằng năm;
+ Khả năng, điều kiện thực hiện các mục tiêu xác minh quy định tại Điều 15 Nghị định 130/2020/NĐ-CP.
- Căn cứ vào quy định nêu trên, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch xác minh tài sản thu nhập hằng năm; nơi không có cơ quan thanh tra thì chỉ đạo đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ thực hiện.
- Kế hoạch xác minh phải có các nội dung sau:
+ Mục đích, yêu cầu của kế hoạch xác minh;
+ Số lượng và tên cơ quan, đơn vị được xác minh;
+ Tổng số người được xác minh, số lượng người được xác minh phân bổ theo cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc;
+ Việc tổ chức thực hiện kế hoạch xác minh, người được phân công chỉ đạo việc thực hiện, đơn vị được phân công tiến hành xác minh, nguồn lực để thực hiện xác minh.
(Điều 14 Nghị định 130/2020/NĐ-CP)
Theo Điều 15 Nghị định 130/2020/NĐ-CP thì trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập quy định tại khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 30 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh hằng năm; Chánh thanh tra tỉnh ban hành kế hoạch xác minh hằng năm sau khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nội dung kế hoạch.
- Kế hoạch xác minh hằng năm của Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập phải bảo đảm số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình; riêng đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính phải bảo đảm tối thiểu bằng 10%.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành, Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.
Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập mời đại diện Ủy ban kiểm tra Đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp dự và chứng kiến việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh.
Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.