File review công ty: Hành vi review công ty sai sự thật nhằm bôi nhọ bị xử phạt thế nào?

30/12/2024 11:29 AM

Từ vụ file review công ty đang được lan truyền trên mạng xã hội thì hành vi review công ty sai sự thật nhằm bôi nhọ bị xử phạt thế nào?

File review công ty: Hành vi review công ty sai sự thật nhằm bôi nhọ bị xử phạt thế nào?

File review công ty: Hành vi review công ty sai sự thật nhằm bôi nhọ bị xử phạt thế nào? (Hình từ Internet)

1. File review công ty: Hành vi review công ty sai sự thật nhằm bôi nhọ bị xử phạt thế nào? 

Theo điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Trong trường hợp người có hành vi review công ty sai sự thật nhằm vu khống, xúc phạm uy tín của công ty (tức tổ chức) thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

* Xử phạt hành chính: 

Đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức trên mạng xã hội mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với số tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

(Theo khoản 3 Điều 4 và điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP)

* Trách nhiệm hình sự:

Trường hợp hành vi review công ty sai sự thật nhằm vu khống, xúc phạm uy tín của công ty mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội sau:

- Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:

+ Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

+ Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

- Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông

Theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông như sau:

+ Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

++ Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017);

++ Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

++ Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

++ Có tổ chức;

++ Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

++ Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

++ Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

++ Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

++ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

++ Dẫn đến biểu tình.

+ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

- Tội vu khống

Theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội vu khống như sau:

+ Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

++ Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

++ Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

++ Có tổ chức;

++ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

++ Đối với 02 người trở lên;

++ Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

++ Đối với người đang thi hành công vụ;

++ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

++ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% 

++ Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

++ Vì động cơ đê hèn;

++ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên

++ Làm nạn nhân tự sát.

+ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

- Tội làm nhục người khác

Theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội làm nhục người khác như sau:

+ Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

++ Phạm tội 02 lần trở lên;

++ Đối với 02 người trở lên;

++ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

++ Đối với người đang thi hành công vụ;

++ Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

++ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

++ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

++ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên

++ Làm nạn nhân tự sát.

+ Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

* Trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

Theo Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015, khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

- Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.

- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.

- Buộc xin lỗi, cải chính công khai.

- Buộc thực hiện nghĩa vụ.

- Buộc bồi thường thiệt hại.

- Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

- Yêu cầu khác theo quy định của luật.

Đồng thời, theo Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Như vậy, công ty bị xâm phạm do hành vi review sai sự thật trên mạng xã hội có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại.

(Lưu ý: Tùy vào từng vụ việc trên thực tế mà cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định áp dụng biện pháp chế tài cụ thể với người có hành vi vi phạm.)

2. Những nội dung người lao động được tham gia ý kiến tại công ty

Theo khoản 1 Điều 44 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì người lao động được tham gia ý kiến về những nội dung sau:

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động;

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể;

- Đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ;

- Nội dung khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật.

Về hình thức tham gia ý kiến thì theo khoản 2 Điều 44 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì những nội dung quy định nêu trên mà pháp luật quy định cụ thể hình thức người lao động tham gia ý kiến thì thực hiện theo quy định đó; trường hợp pháp luật không quy định cụ thể hình thức thì người lao động căn cứ vào đặc điểm sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động, nội dung người lao động được tham gia ý kiến và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để lựa chọn hình thức sau đây:

- Tham gia ý kiến trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động tại hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc;

- Gửi góp ý, kiến nghị trực tiếp;

- Hình thức khác mà pháp luật không cấm.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 516

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079