1. Về hoạt động giáo dục – đào tạo
Từ ngày 15/6/2017, theo Quyết định 751/QĐ-TTg năm 2017 thì mức cho vay tối đa nhằm hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được điều chỉnh lên thành 1.500.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, ngày 31/5/2017, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 18/2017/QĐ-TTg quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học.
Quyết định 18 có hiệu lực từ ngày 15/7/2017, bãi bỏ Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2015/TT-BGDĐT .
2. Về hoạt động kinh doanh, sản xuất xăng dầu
Theo Nghị định 67/2017/NĐ-CP thì mức xử phạt một số hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu sẽ cao hơn so với mức mà Nghị định 97/2013/NĐ-CP hiện nay quy định. Cụ thể:
- Đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác, khung mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi thành từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng;
- Đối với hành vi bán lẻ xăng dầu với giá cao hơn giá niêm yết do thương nhân đầu mối quy định sẽ bị xử phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng; thay vì từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng như hiện nay.
Đặc biệt, hành vi pha trộn hoặc đưa các chất khác vào xăng dầu để trục lợi sẽ bị xử phạt từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Như vậy, chỉ cần có hành vi pha trộn các chất khác vào xăng dầu là đã có căn cứ để xử phạt; chứ không phụ thuộc vào việc hậu quả có dẫn đến chất lượng xăng dầu không còn hợp chuẩn, hợp quy như quy định hiện nay.
Nghị định 67/2017/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 10/7/2017.
3. Về hoạt động xuất, nhập khẩu
Từ ngày 13/7/2017, theo quy định của Thông tư 07/2017/TT-BCT thì các mặt hàng phân bón có mã HS 3102.10.00 và 3105.20.00 chỉ được nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính.
Việc nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở chỉ được phép thực hiện sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép trên cơ sở trao đổi thống nhất với Bộ Công Thương.
Đáng chú ý nữa, từ ngày 15/7/2017, theo quy định của Thông tư 16/2017/TT-BGTVT thì việc vận chuyển quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam bằng đường bộ sẽ chỉ thông qua:
+ Các tuyến Quốc lộ, đường Hồ Chí Minh;
+ Hệ thống đường cao tốc, đường tỉnh, đường đô thị kết nối tới các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam, các kho ngoại quan, cảng cạn, trung tâm logistics, địa điểm kiểm tra hải quan.
Xem chi tiết các tuyến Quốc lộ được vận chuyển tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 16.
4. Về chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Ngày 22/5/2017, Thông tư 02/2017/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 đã được ban hành.
Theo đó, hướng dẫn một số mức hỗ trợ cụ thể cho hộ dân tộc thiểu số còn du canh du cư quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg như sau:
- Các hộ chưa có đất sản xuất sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ từ ngân sách nhà nước và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt được hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng/hộ để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
Thông tư 02/2017/TT-UBDT có hiệu lực từ ngày 07/7/2017.
5. Về hệ thống văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Từ ngày 17/7/2017, sẽ có 23 văn bản hết hiệu lực do bị bãi bỏ theo quy định của Thông tư 10/2017/TT-BNNPTNT .
Từ ngày 18/7/2017, sẽ có 17 văn bản được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Thông tư 11/2017/TT-BNNPTNT .