[1] Mục đích
Chế độ báo cáo thống kê ngành Thống kê nhằm thu thập thông tin để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Thống kê và phục vụ biên soạn báo cáo tình hình kinh tế - xã hội.
[2] Phạm vi thống kê
Số liệu báo cáo trong hệ thống biểu mẫu thuộc phạm vi trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
[3] Đối tượng áp dụng
- Cơ quan thống kê trung ương.
- Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Tổ chức, cá nhân có liên quan.
[4] Đơn vị báo cáo
Đơn vị báo cáo là Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được ghi cụ thể tại góc trên bên phải của từng biểu mẫu thống kê.
[5] Đơn vị nhận báo cáo
Đơn vị nhận báo cáo là cơ quan thống kê trung ương (Tổng cục Thống kê) được ghi cụ thể tại góc trên bên phải của từng biểu mẫu thống kê, dưới dòng đơn vị báo cáo.
[6] Ký hiệu biểu
Ký hiệu biểu gồm hai phần:
- Phần số được đánh liên tục từ 001 đến hết số lượng biểu được ban hành;
- Phần chữ được ghi chữ in viết tắt sao cho phù hợp với từng ngành hoặc lĩnh vực và chu kỳ báo cáo (năm - N; 2 năm - 2N; 5 năm - 5N; quý - Q; tháng - T; vụ - V; hỗn hợp - H); lấy chữ BCC (Báo cáo Cục) thể hiện cho hệ thống biểu mẫu báo cáo thống kê ngành Thống kê áp dụng đối với Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ký hiệu biểu được ghi cụ thể tại góc trên bên trái của từng biểu mẫu thống kê.
[7] Kỳ báo cáo
Kỳ báo cáo thống kê là khoảng thời gian nhất định quy định đối tượng báo cáo thống kê phải thể hiện kết quả hoạt động bằng số liệu theo các tiêu chí thống kê trong biểu mẫu báo cáo thống kê.
Kỳ báo cáo được ghi ở phần giữa của từng biểu mẫu thống kê (sau tên biểu báo cáo).
Kỳ báo cáo thống kê được tính theo ngày dương lịch và được quy định cụ thể của từng biểu mẫu báo cáo thống kê, bao gồm:
- Báo cáo thống kê tháng
- Báo cáo thống kê quý
- Báo cáo thống kê 6 thán
- Báo cáo thống kê 9 tháng
- Báo cáo thống kê năm
- Báo cáo thống kê theo Vụ
- Báo cáo thống kê đột xuất trong trường hợp khi có sự vật, hiện tượng đột xuất xảy ra: Thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn. Ngoài ra còn có kỳ báo cáo khác được ghi cụ thể ở biểu mẫu báo cáo.
[8] Thời hạn nhận báo cáo
Ngày nhận báo cáo được ghi cụ thể tại góc trên bên trái của từng biểu mẫu thống kê.
[9] Phương thức gửi báo cáo
Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo thống kê bằng báo cáo điện tử hoặc bản giấy theo thời gian quy định trên từng biểu mẫu.
Báo cáo phải được ký số (đối với báo cáo điện tử) hoặc có chữ ký của Thủ trưởng, đóng dấu của đơn vị (đối với báo cáo bằng bản giấy) để bảo đảm tính chính xác của số liệu, thuận lợi cho việc kiểm tra, đối chiếu, xử lý số liệu.
[10] Biểu mẫu báo cáo và giải thích biểu mẫu báo cáo thống kê
Chế độ báo cáo thống kê ngành Thống kê bao gồm: Danh mục biểu mẫu báo cáo thống kê; các biểu mẫu báo cáo thống kê, giải thích và hướng dẫn cách ghi biểu báo cáo của các lĩnh vực quy định tại các Phụ lục (từ Phụ lục số I đến Phụ lục số VI) ban hành kèm theo Thông tư 20/2024/TT-BKHĐT gồm:
- Phụ lục I: Biểu mẫu báo cáo thống kê tài khoản quốc gia.
- Phụ lục II: Biểu mẫu báo cáo thống kê nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
- Phụ lục III: Biểu mẫu báo cáo thống kê công nghiệp.
- Phụ lục IV: Biểu mẫu báo cáo thống kê vốn đầu tư và xây dựng.
- Phụ lục V: Biểu mẫu báo cáo thống kê thương mại và dịch vụ.
- Phụ lục VI: Biểu mẫu báo cáo thống kê xã hội và môi trường.
Thông tư 20/2024/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.