Theo đó, công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện khám nghiệm hiện trường của CAND được thực hiện như sau:
Đối với Cơ quan chủ trì khám nghiệm:
- Phân công người chủ trì khám nghiệm;
- Thông báo cho Viện Kiểm sát cùng cấp để cử kiểm sát viên tham gia kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường;
- Thông báo và yêu cầu lực lượng Kỹ thuật hình sự tham gia khám nghiệm hiện trường;
- Thông báo và yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ tham gia phối hợp trong quá trình khám nghiệm hiện trường (nếu cần thiết);
- Trường hợp cần thiết có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm;
- Chuẩn bị các phương tiện đi lại, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện, thiết bị chuyên dùng (nếu có); các loại biểu mẫu, giấy tờ có liên quan.
Đối với lực lượng Kỹ thuật hình sự:
Khi nhận được yêu cầu tham gia khám nghiệm hiện trường, lực lượng Kỹ thuật hình sự cần:
- Phân công cán bộ khám nghiệm hiện trường chuyên trách tham gia khám nghiệm. Phân công giám định viên có chuyên môn phù hợp để tham gia phối hợp khám nghiệm (nếu cần thiết);
- Chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật chuyên dùng như: Vali khám nghiệm hiện trường; máy ảnh, máy ghi hình; nguồn sáng các loại, phương tiện, thiết bị, hóa chất phát hiện và thu thập dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử; thước dây, thước tỷ lệ, túi thu mẫu, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên dùng khác (nếu có), các biểu mẫu, biên bản có liên quan.
Đối với các lực lượng phối hợp khác:
Khi nhận được thông báo và yêu cầu tham gia khám nghiệm hiện trường, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an cấp xã, lực lượng huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ và các lực lượng khác có liên quan trong phạm vi, trách nhiệm của mình phải cử cán bộ đến hiện trường để phối hợp với cơ quan chủ trì tiến hành các hoạt động khám nghiệm hiện trường.
Xem chi tiết tại Thông tư 98/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/02/2025.