Mẫu Sổ chi phí đầu tư xây dựng theo Thông tư 133 (Mẫu số S24-DNN) (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Mẫu Sổ chi phí đầu tư xây dựng là mẫu dùng để theo dõi chi phí đầu tư xây dựng tập hợp cho từng dự án, công trình, hạng mục công trình kể từ khi khởi công cho đến khi kết thúc xây dựng đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
Chi phí đầu tư xây dựng cho dự án, công trình, hạng mục công trình được tập hợp trên sổ theo các nội dung chi phí: Chi phí xây lắp, chi phí thiết bị và chi phí khác.
Mẫu Sổ chi phí đầu tư xây dựng sẽ áp dung theo Mẫu số S24-DNN ban hành kèm theo Thông tư 133/2016/TT-BTC.
Mẫu số S24-DNN |
Căn cứ vào chứng từ kế toán (Chứng từ gốc, chứng từ ghi sổ có liên quan như phiếu giá, các phiếu xuất thiết bị, dụng cụ, chứng từ phân bổ chi phí Ban quản lý dự án, phân bổ chi phí khác) để ghi vào sổ chi phí đầu tư xây dựng.
Kế toán căn cứ vào nội dung chi phí đầu tư xây dựng phát sinh trên các chứng từ kế toán có liên quan để ghi vào các cột cho phù hợp.
- Cột A: Ghi ngày, tháng ghi sổ.
- Cột B, C: Ghi số hiệu, ngày, tháng của chứng từ phát sinh dùng để ghi sổ.
- Cột D: Ghi tóm tắt diễn giải nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
- Cột E: Ghi số hiệu tài khoản đối ứng với TK 241.
- Cột 1: Ghi tổng số chi phí đầu tư xây dựng phát sinh.
- Cột 2: Ghi số chi phí phát sinh cho xây lắp.
- Cột 3: Ghi tổng số chi phí phát sinh cho thiết bị.
Trong đó:
Cột 4: Ghi số chi phí phát sinh cho thiết bị cần lắp.
Cột 5: Ghi số chi phí phát sinh cho thiết bị không cần lắp.
Cột 6: Ghi số chi phí phát sinh cho công cụ, dụng cụ.
- Cột 7: Ghi số chi phí phát sinh cho các khoản chi phí khác.
Số liệu ghi vào cột 1 phải bằng tổng số liệu ghi vào cột 2+cột 3+cột 7
- Cột G: Ghi những chú thích cần thiết khác.
Những trường hợp ghi giảm chi phí đầu tư xây dựng, kế toán ghi số âm để tính tổng số phát sinh giảm trong kỳ. Cuối tháng cộng số phát sinh tăng, giảm thực tế trong tháng, trong quý, cộng lũy kế từ đầu năm đến cuối quý báo cáo, cộng lũy kế từ khi khởi công đến cuối quý báo cáo.
Vì Sổ chi phí đầu tư xây dựng theo Thông tư 133/2016/TT-BTC là sổ thể hiện các thông tin liên quan đến tài khoản kế toán 241 - Xây dựng cơ bản dở dang do đó sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Tài khoản này phản ánh chi phí thực hiện các dự án đầu tư XDCB (bao gồm chi phí mua sắm mới TSCĐ, xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo, mở rộng hay trang bị lại kỹ thuật công trình) và tình hình quyết toán dự án đầu tư XDCB ở các doanh nghiệp có tiến hành công tác mua sắm TSCĐ, đầu tư XDCB, sửa chữa lớn TSCĐ.
Công tác đầu tư XDCB và sửa chữa lớn TSCĐ của doanh nghiệp có thể được thực hiện theo phương thức giao thầu hoặc tự làm.
Ở các doanh nghiệp tiến hành đầu tư XDCB theo phương thức tự làm thì tài khoản này phản ánh cả chi phí phát sinh trong quá trình xây lắp, sửa chữa.
- Chi phí thực hiện các dự án đầu tư XDCB là toàn bộ chi phí cần thiết để xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo, mở rộng hay trang bị lại kỹ thuật công trình được xác định theo quy định hiện hành, đồng thời phải phù hợp những yếu tố khách quan của thị trường trong từng thời kỳ và được thực hiện theo quy chế về quản lý đầu tư XDCB. Chi phí đầu tư XDCB, bao gồm:
+ Chi phí xây dựng;
+ Chi phí thiết bị;
+ Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
+ Chi phí quản lý dự án;
+ Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng;
+ Chi phí khác.
Tài khoản 241 được mở chi tiết theo từng công trình, hạng mục công trình và ở mỗi hạng mục công trình phải được hạch toán chi tiết từng nội dung chi phí đầu tư XDCB và được theo dõi lũy kế kể từ khi khởi công đến khi công trình, hạng mục công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.
- Khi đầu tư XDCB các chi phí xây lắp, chi phí thiết bị thường tính trực tiếp cho từng công trình; Các chi phí quản lý dự án và chi phí khác thường được chi chung. Chủ đầu tư phải tiến hành tính toán, phân bổ chi phí quản lý dự án và chi phí khác cho từng công trình theo nguyên tắc:
+ Nếu xác định được riêng các chi phí quản lý dự án và chi phí khác liên quan trực tiếp đến từng công trình thì tính trực tiếp cho công trình đó;
+ Các chi phí quản lý dự án và chi phí chung có liên quan đến nhiều công trình mà không tính trực tiếp được cho từng công trình thì đơn vị được quyền phân bổ theo những tiêu thức phù hợp nhất với từng công trình.
- Chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, duy trì cho TSCĐ hoạt động bình thường được hạch toán trực tiếp vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ. Đối với các TSCĐ theo yêu cầu kỹ thuật phải sửa chữa, bảo trì, duy tu định kỳ mà không làm tăng giá trị tài sản, doanh nghiệp được trích lập dự phòng phải trả và tính trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh để có nguồn trang trải hoặc được phân bổ dần theo quy định khi việc sửa chữa, bảo trì phát sinh.
- Chủ đầu tư xây dựng bất động sản sử dụng tài khoản này để tập hợp chi phí xây dựng TSCĐ hoặc bất động sản đầu tư. Trường hợp bất động sản xây dựng sử dụng cho nhiều mục đích (làm văn phòng, cho thuê hoặc để bán, ví dụ như tòa nhà chung cư hỗn hợp) thì kế toán vẫn tập hợp chi phí phát sinh liên quan trực tiếp tới việc đầu tư xây dựng trên TK 241.
Khi công trình, dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, kế toán căn cứ cách thức sử dụng tài sản trong thực tế để kết chuyển chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với bản chất của từng loại tài sản.
- Đối với hoạt động XDCB dở dang mà phải thanh toán cho nhà thầu bằng ngoại tệ: Chi phí XDCB dở dang được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm công trình XDCB hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Trường hợp doanh nghiệp ứng trước cho nhà thầu bằng ngoại tệ thì chi phí XDCB dở dang tương ứng với số tiền ứng trước được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước, chi phí XDCB dở dang tương ứng với số tiền còn lại được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm công trình XDCB hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng.
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh từ quá trình đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn trước hoạt động hoặc khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động (kể cả việc đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng) đều được tính ngay vào doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ) tại thời điểm phát sinh.
- Trường hợp dự án đầu tư bị hủy bỏ, doanh nghiệp phải tiến hành thanh lý và thu hồi các chi phí đã phát sinh của dự án. Phần chênh lệch giữa chi phí đầu tư thực tế phát sinh và số thu từ việc thanh lý được ghi nhận vào chi phí khác hoặc xác định trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân để thu hồi.
- Các chi phí khác phát sinh như chi phí lãi vay được vốn hóa, chi phí đấu thầu (sau khi bù trừ với số tiền thu từ việc bán hồ sơ thầu), chi phí tháo dỡ hoàn trả mặt bằng (sau khi bù trừ với số phế liệu có thể thu hồi) được hạch toán vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
- Trường hợp hoạt động sản xuất thử không tạo ra sản phẩm thì toàn bộ chi phí chạy thử được hạch toán vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang; Trường hợp hoạt động sản xuất thử tạo ra sản phẩm sản xuất thử thì toàn bộ chi phí chạy thử có tải để sản xuất ra sản phẩm sản xuất thử được tập hợp trên TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang, phần chênh lệch giữa chi phí sản xuất thử với số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử được hạch toán vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
(Khoản 1 Điều 37 Thông tư 133/2016/TT-BTC)