Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng gồm những lực lượng nào? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 9 Điều 2 Nghị định 53/2022/NĐ-CP thì lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng bao gồm:
- Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an;
- Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị và Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng.
Thủ tục kiểm tra an ninh mạng của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng theo Điều 16 Nghị định 53/2022/NĐ-CP như sau:
- Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiến hành kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin theo quy định tại khoản 5 Điều 13, khoản 1 Điều 24 Luật An ninh mạng. Nội dung kiểm tra an ninh mạng, bao gồm:
+ Kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng;
+ Kiểm tra, đánh giá hiệu quả các phương án, biện pháp bảo đảm an ninh mạng, phương án, kế hoạch ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;
+ Kiểm tra, đánh giá phát hiện lỗ hổng, điểm yếu bảo mật, mã độc và tấn công thử nghiệm xâm nhập hệ thống;
+ Kiểm tra, đánh giá khác do chủ quản hệ thống thông tin quy định.
- Trình tự, thủ tục kiểm tra an ninh mạng của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng:
+ Thông báo về kế hoạch kiểm tra an ninh mạng theo quy định;
+ Thành lập Đoàn kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
+ Tiến hành kiểm tra an ninh mạng, phối hợp chặt chẽ với chủ quản hệ thống thông tin trong quá trình kiểm tra;
+ Lập biên bản về quá trình, kết quả kiểm tra an ninh mạng và bảo quản theo quy định của pháp luật;
+ Thông báo kết quả kiểm tra an ninh mạng trong 03 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành kiểm tra.
- Trường hợp cần giữ nguyên hiện trạng hệ thống thông tin, phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, phát hiện điểm yếu, lỗ hổng bảo mật; hướng dẫn hoặc tham gia khắc phục khi có đề nghị của chủ quản hệ thống thông tin, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng gửi văn bản đề nghị chủ quản hệ thống thông tin tạm ngừng tiến hành kiểm tra an ninh mạng. Nội dung văn bản phải ghi rõ lý do, mục đích, thời gian tạm ngừng hoạt động kiểm tra an ninh mạng.
Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định điều phối, ứng phó khắc phục sự cố an ninh mạng của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng:
- Đánh giá, quyết định phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;
- Điều hành công tác ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;
- Chủ trì tiếp nhận, thu thập, xử lý, trao đổi thông tin về ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;
- Huy động, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan tham gia ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng trong trường hợp cần thiết;
- Chỉ định đơn vị đầu mối phối hợp với các đơn vị chức năng của các quốc gia khác hoặc các tổ chức quốc tế trong hoạt động ứng phó, xử lý các sự cố liên quốc gia trên cơ sở thỏa thuận quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị liên quan ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;
- Lập biên bản quá trình ứng cứu sự cố an ninh mạng.