Blockchain là gì? Blockchain có phải tiền ảo không? (Hình từ internet)
Blockchain (công nghệ chuỗi khối) được hiểu đơn giản là công nghệ giúp mã hóa tất cả các dữ liệu thành các khối khác nhau, đồng thời kết nối chúng lại để tạo thành một chuỗi dài. Trong trường hợp có thêm thông tin mới, chúng sẽ được lưu vào khối mới và được nối vào khối cũ, để tạo thành một chuỗi mới. Nhờ vào đó, thông tin cũ trong công nghệ Blockchain không bị mất đi.
Ưu điểm của Blockchain đó là các thông tin này không chỉ nằm trên một máy chủ duy nhất, mà chúng có thể được sao lưu và phân phối một cách hoàn toàn tự động thông qua nhiều máy chủ khác nhau đã kết nối với hệ thống Blockchain, giúp cho mọi người có thể xem và kiểm tra thông tin giao dịch của mình một cách dễ dàng và an toàn nhất. Điều này giúp doanh nghiệp có thể giảm thiểu các tình trạng như gian lận, giúp đảm bảo được tính minh bạch, rõ ràng và có mức độ an toàn thông tin cao.
Theo tạp chí Fortune, các nhà sáng chế ở những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước đã không ngừng tìm kiếm, phát triển các thuật toán mã hóa để có thể giải quyết vấn đề bảo mật thông tin trên internet. Nhưng điều này vấp phải rất nhiều khó khăn bởi sự tác động của các bên thứ ba, đặc biệt là các tội phạm an ninh mạng.
Cho đến năm 1998, 2 nhà nghiên cứu Scott Stornetta và Stuart Haber đã đề xuất ý tưởng về một chuỗi dữ liệu bất biến có thể thống kê được chính xác thời gian của các tệp dữ liệu để chúng không bị chỉnh sửa, giả mạo. Tuy nhiên cách giải thích này của họ chưa thực sự đáng tin cậy và các chuyên gia vẫn tin rằng phải cần một bên thứ 3 mới có thể đảm bảo được mức độ an toàn của thông tin.
Các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu để tìm ra một phương pháp đáng tin cậy nhất. Vào 2008, Satoshi Nakamoto - cha đẻ của Bitcoin đã sử dụng các mã hóa để tạo ra tiền kỹ thuật số (Digital Currency). Từ nền tảng này, công nghệ Blockchain và các ứng dụng của chúng đã ra đời và ngày càng phát triển
Blockchain có ba loại chính đó là:
- Public Blockchain (Blockchain công khai): Đây là loại blockchain mở, cho phép mọi người đều có thể tham gia, xác minh và thực hiện giao dịch. Ví dụ điển hình của loại Blockchain này là Bitcoin và Ethereum. Trong loại Public Blockchain, mọi giao dịch đều công khai và minh bạch, nhưng không ai có thể kiểm soát hoặc thay đổi dữ liệu đã được ghi vào Blockchain.
- Private Blockchain (Blockchain riêng tư): Khác với Public Blockchain, Private Blockchain chỉ cho phép một số người dùng cụ thể tham gia. Loại Blockchain này thường được sử dụng trong các tổ chức hoặc doanh nghiệp để đảm bảo quyền truy cập và quyền thực hiện giao dịch được kiểm soát chặt chẽ. Private Blockchain giúp tăng cường bảo mật và quản lý hiệu quả hơn so với Public Blockchain.
- Permissioned Blockchain (Blockchain có quyền hạn): Đây là một dạng của Private Blockchain, nhưng người dùng được cung cấp một số tính năng đặc quyền khác tùy thuộc vào bên thứ ba cung cấp. Permissioned Blockchain thường được sử dụng trong các môi trường doanh nghiệp để đảm bảo sự linh hoạt và kiểm soát cao đối với quyền truy cập và quyền thực hiện giao dịch.
Blockchain đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm:
- Tiền điện tử: Đây là ứng dụng phổ biến nhất của Blockchain, mà Bitcoin là ví dụ nổi tiếng nhất.
- Hợp đồng thông minh: Blockchain cho phép tạo và thực thi các hợp đồng tự động, minh bạch và không thể thay đổi. Vì vậy, công nghệ này đang được ứng dụng nhiều trong các hệ thống tài chính lớn, tổ chức bất động sản và nhiều lĩnh vực khác.
- Quản lý chuỗi cung ứng: Blockchain giúp theo dõi và quản lý chuỗi cung ứng một cách chính xác và minh bạch, từ nguồn gốc sản phẩm đến quá trình phân phối. Một số công ty như Walmart, Pfizer, AIG, Siemens và Unilever cũng đang thử nghiệm Blockchain trong quả lý chuỗi cung ứng của họ trên toàn cầu.
- Bảo mật dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư: Blockchain cũng được ứng dụng trong việc lưu trữ và bảo vệ dữ liệu cá nhân để ngăn chặn gian lận và tăng cường bảo mật thông tin.
- Y tế: Blockchain thậm chí còn có thể được sử dụng để lưu trữ và quản lý hồ sơ y tế, giúp việc chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan trở nên an toàn và hiệu quả hơn.
Thực tế Blockchain không phải là tiền ảo, tiền điện tử,… Blockchain chỉ là một công nghệ được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực này. Do công nghệ này cung cấp một hệ thống thanh toán kỹ thuật số an toàn và không cần trung gian cho người dùng trên toàn thế giới.
Ngày 27/4/2022 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định 343/QĐ-BNV về việc thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Theo đó, Hiệp hội Blockchain Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp có mục đích hoạt động không trái với pháp luật, có điều lệ, có trụ sở, có con dấu và tài sản riêng.
Đây là Hiệp hội được thành lập trên tinh thần tự nguyện của các cá nhân và tổ chức có chung sở thích, ngành nghề và mục đích hoạt động. Hiệp hội sẽ hoạt động thường xuyên, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hiệp hội, hội viên và của cộng đồng blockchain Việt Nam; góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
Đoàn Đức Tài