Chuyển đổi số 24/03/2025 14:56 PM

Chỉ thị 09: Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu áp dụng cơ chế sand box

24/03/2025 14:56 PM

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu áp dụng cơ chế sand box (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) khuyến khích sáng tạo trong quản lý.

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu áp dụng cơ chế sand box

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu áp dụng cơ chế sand box (Hình từ Internet)

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu áp dụng cơ chế sand box

Tại Chỉ thị 09/CT-TTg năm 2025 về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện một số nhiệm vụ. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu áp dụng cơ chế sand box. Cụ thể như sau:

Ngân hàng nhà nước Việt Nam: Nghiên cứu triển khai đối với các kiến nghị của các ngân hàng liên quan áp dụng bộ chuẩn mực Basel III, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sand box) với tinh thần là tạo không gian để sáng tạo và lấy hiệu quả để đánh giá. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; rà soát, phân luồng đối tượng để cắt giảm thủ tục, điều kiện cho vay nhằm đẩy vốn tín dụng nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn, nhất là đối với những đề án, dự án, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh; đồng thời bảo đảm an toàn, hợp lý hoạt động ngân hàng. Tiếp tục nghiên cứu triển khai các gói tín dụng ưu đãi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển nhà ở xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội.

Xem thêm tại Chỉ thị 09/CT-TTg năm 2025.

Cơ chế thử nghiệm sand box là gì?

Theo Bản tin chiến lược phát triển số 07/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ chế  thử nghiệm sand box được định nghĩa như sau:

Với sự ra đời của Cách mạng công nghiệp 4.0, các sản phẩm/công nghệ/dịch vụ/mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo (ĐMST) đầy tiềm năng được tạo ra nhanh chóng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chúng thường rất khác những sản phẩm/dịch vụ trên thị trường truyền thống và thường không có các quy định pháp lý phù hợp để điều chỉnh. Do vậy, chúng không thể được tung ra thị trường nếu những rủi ro của chúng không được xác định rõ. Thực tế này dẫn đến nhu cầu về một hệ thống vừa thúc đẩy ĐMST sản phẩm/công nghệ mới, vừa giảm thiểu các rủi ro khi đưa chúng ra thị trường, và cho phép chủ sở hữu chúng có thể đón đầu thị trường toàn cầu. Do đó, các quốc gia phản ứng với các ĐMST trong các lĩnh vực công nghệ mới bằng cách áp dụng rất nhiều biện pháp tích cực để tận dụng tối đa những lợi ích mà nó đem lại, đồng thời cố gắng giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn. Một trong những hướng tiếp cận của họ là Cơ chế thử nghiệm , tiếng Anh là “Regulatory Sandbox”, được sử dụng với hàm ý là tạo ra các khung pháp lý thử nghiệm cho các sản phẩm/dịch vụ/mô hình kinh doanh mới sáng tạo trong các lĩnh vực trên mà khung pháp lý hiện hành chưa có quy định điều chỉnh.

Nhiều tổ chức như Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh (FCA), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế, OECD…, cũng như các chuyên gia đã đưa ra khái niệm/định nghĩa về CCTN, nhưng chưa có một định nghĩa thống nhất nào được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, các định nghĩa đều có những điểm chung: cơ chế thử nghiệm là một môi trường, một khuôn khổ thể chế thử nghiệm, một không gian thử nghiệm trực tiếp, một công cụ chính sách và hỗ trợ tùy chỉnh, thuận lợi với khung chính sách riêng (có thể nằm ngoài khung chính sách hiện tại), được cơ quan quản lý nhà nước thiết lập để các công ty, tổ chức tiến hành thử nghiệm trực tiếp ở quy mô nhỏ các sản phẩm/dịch vụ hay mô hình kinh doanh ĐMST/giải pháp công nghệ của họ, chủ yếu là trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi và nhiều tiềm năng, với sự giám sát và quản lý chặt chẽ của các cơ quan nhà nước có liên quan. Cơ chế thử nghiệm có giới hạn về thời gian (thử nghiệm diễn ra trong khoảng thời gian xác định), địa lý (trong vùng, quốc qua, xuyên quốc gia) và phạm vi của lĩnh vực hoạt động.

Lê Quang Nhật Minh

Chia sẻ bài viết lên facebook 157

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079