Hết năm 2016, DN không còn vướng các quy định chuyên ngành

11/07/2016 17:14 PM

Bộ KH&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp xây dựng dự thảo một luật sửa đổi nhiều luật để khắc phục những điểm còn chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (DN) và các luật chuyên ngành.

trần thị hồng minh

Cục trưởng Trần Thị Hồng Minh. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đối với văn bản hướng dẫn cấp nghị định, Bộ KH&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ chức năng xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan, trình Chính phủ trong tháng 10 tới.

Đó là ý kiến của bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về việc loại bỏ các điều kiện kinh doanh thời gian qua, các bước đi tiếp theo để các luật mới thật sự đi vào cuộc sống, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho DN.

Nhìn lại một năm qua, từ khi có hiệu lực, Luật Đầu tưLuật DN 2014 đã tác động như thế nào tới tình hình đăng ký kinh doanh của DN? Bà có thể cho biết, trong quá trình triển khai, những vướng mắc, phát sinh liên quan đến các luật chuyên ngành đã được tháo gỡ thế nào?

Bà Trần Thị Hồng Minh: Luật DN và Luật Đầu tư 2014 được xây dựng với tinh thần cải cách mạnh mẽ, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho nhà đầu tư, DN, tăng tính linh hoạt, chủ động trong quản lý…

Theo thống kê, kể từ ngày 1/7/2015 đến 1/7/2016, đã có 105.975 DN thành lập theo Luật DN mới, số vốn đăng ký đạt 767.970 tỷ đồng, tăng 27,8% về số DN và tăng 42,4% về số vốn so với cùng kỳ… Tôi cho rằng, có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng DN thành lập và số vốn cam kết đưa vào thị trường sau khi Luật DN, Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.

Quan trọng là tâm lý nhà đầu tư và cách đánh giá của họ đối với tiềm năng của thị trường đã tích cực hơn qua những thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, việc áp dụng các quy định tại hai văn bản luật mới gặp một số khó khăn. Các vấn đề, vướng mắc phát sinh của Luật DN chủ yếu mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ, thái độ và cách thức làm việc của các công chức, cơ quan có liên quan.

Còn đối với Luật Đầu tư, do quy mô và mức độ đổi mới rất lớn, được thực hiện trên phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật, nhiều cơ quan trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau từ Trung ương đến địa phương, nên phát sinh khá nhiều vấn đề vướng mắc cần được nghiên cứu, xem xét giải quyết.

Sự khác nhau, không tương thích, không phù hợp thể hiện ở một số nội dung như: Khác nhau về trật tự các thủ tục cụ thể (điển hình là thủ tục đánh giá tác động môi trường quy định trong Luật Bảo vệ môi trường); khác nhau về quy trình thủ tục, thẩm quyền giải quyết một số thủ tục đầu tư.

Hiện nay, Bộ KH&ĐT với sự hỗ trợ của Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật DN cũng đã nhận diện và đánh giá khá đầy đủ các vướng mắc nêu trên và đang thực hiện phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan giải quyết.

Đồng thời, Bộ cũng đã chủ động triển khai nhiều khóa tập huấn, đào tạo các địa phương về thực hiện thủ tục đăng ký DN, đăng ký đầu tư, giải đáp trực tiếp các vướng mắc mà địa phương gặp phải trong thực tiễn. 

Từ góc độ của cơ quan phát triển DN, những nghị định mới đã tạo thuận lợi như thế nào cho việc gia nhập thị trường của DN so với các quy định trước đây?

Bà Trần Thị Hồng Minh: Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc thực hiện các quy định của Luật Đầu tư 2014 về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ nhiều lần kiên quyết yêu cầu các bộ phải trình Chính phủ các dự thảo quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đúng hạn, trình tự thủ tục được thực hiện theo quy trình rút gọn, nhưng phải bảo đảm chất lượng, phải tham vấn cộng đồng DN. Các bộ, cơ quan ngang bộ cũng đã rất nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện các dự thảo nghị định.  

Bộ KH&ĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tham gia sâu vào quá trình rà soát, tiếp thu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các chuyên gia của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ. Nhiều cuộc họp đã diễn ra với tinh thần làm việc thẳng thắn, với sự đóng góp ý kiến tích cực của các bộ chuyên ngành.

Qua đó cho thấy, Chính phủ đã làm việc hết sức trách nhiệm để loại bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, công khai hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm tiền kiểm, tăng cường chức năng hậu kiểm trong quản lý Nhà nước đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo tôi, việc ban hành hàng loạt nghị định trong thời gian vừa qua đã loại bỏ hàng nghìn điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp, ban hành trái quy định.

Với việc xem xét, ban hành các nghị định như trên cho thấy, Chính phủ đã tiếp thu rất nghiêm túc các kiến nghị của đại diện cộng đồng DN, chuyên gia tương đối độc lập, để cương quyết cắt giảm được khá nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, trái với quy định của Hiến pháp và Luật Đầu tư.

Việc đánh giá hiệu quả tác động thật sự thế nào cần có thêm thời gian, nhưng tôi cho rằng, đợt rà soát các điều kiện kinh doanh lần này là thành công bước đầu, là tiền đề quan trọng để tiến tới các mục tiêu lớn hơn về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Để triển khai Luật Đầu tư và Luật DN có hiệu quả trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT có những giải pháp nào, thưa bà?

Bà Trần Thị Hồng Minh: Để tiếp tục triển khai hiệu quả Luật DN, Luật Đầu tư trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đã chỉ đạo tập trung vào hai nhiệm vụ chính về pháp lý và triển khai thực hiện.

Thứ nhất, về mặt pháp lý, Bộ KH&ĐT tiếp tục giữ vai trò chủ trì, tổ chức phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành xây dựng dự thảo một luật sửa đổi nhiều luật nhằm khắc phục những điểm còn chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật DN và các luật chuyên ngành để Chính phủ trình Quốc hội.  

Đối với văn bản hướng dẫn cấp nghị định, Bộ KH&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ chuyên ngành xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan, trình Chính phủ trong tháng 10 tới.

Đây là những nhiệm vụ được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo các cán bộ ngành KH&ĐT phải nỗ lực triển khai quyết liệt hơn trong thời gian gần đây.

Thứ hai, về triển khai thực hiện, Bộ tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đã được Chính phủ giao về triển khai thi hành Luật DN, Luật Đầu tư, phục vụ mục tiêu chung về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển DN.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, tôi cho rằng, cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật DN trong việc tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đầy đủ và nhất quán Luật DN và Luật Đầu tư.

Trong phạm vi nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đang chỉ đạo rà soát các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thi hành hai luật trên để kịp thời nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn những điểm mới tại Luật Đầu tư và Luật DN cho cộng đồng DN và người dân được biết để cùng thống nhất thực hiện.

Trước mắt, Bộ KH&ĐT đang hoàn thiện để ban hành Thông tư hướng dẫn về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký DN đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư kinh doanh và thành lập DN tại Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!

Huy Thắng (thực hiện)

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,204

TIN TỨC LIÊN QUAN

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079