Bản dịch này thuộc bản quyền THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Bạn được khai thác sử dụng cho công việc của riêng mình, nhưng không được sao chép, đăng lại trên bất cứ phương tiện nào.

Toàn văn file word Bản tiếng Việt Hiệp định EVIPA
Toàn văn Bản tiếng Việt Phụ lục Hiệp định EVIPA

CHƯƠNG 1

MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH NGHĨA CHUNG

ĐIỀU 1.1

Mục tiêu

Mục tiêu của Hiệp định này là thúc đẩy quan hệ đầu tư giữa các Bên phù hợp với các điều khoản của Hiệp định này.

ĐIỀU 1.2

Định nghĩa

Trong phạm vi Hiệp định này:

(a) “thể nhân của một Bên” nghĩa là, về phía Liên minh Châu Âu là công dân của một nước thành viên Liên minh phù hợp với pháp luật và quy định nội địa1 nước đó và, về phía Việt Nam là công dân của Việt Nam phù hợp với pháp luật và quy định nội địa của Việt Nam;

(b) “pháp nhân” là bất kỳ thực thể pháp lý nào được thành lập hợp pháp hoặc tổ chức theo pháp luật hiện hành, dù vì mục tiêu lợi nhuận hay không, và dù thuộc sở hữu tư nhân hay sở hữu nhà nước, bao gồm các tập đoàn, quỹ ủy thác, hợp danh, liên doanh, doanh nghiệp tư nhân hay hiệp hội;

(c) “pháp nhân của một Bên” là pháp nhân của Liên minh Châu Âu hoặc pháp nhân của Việt Nam, được thành lập theo pháp luật và quy định nội địa của một nước thành viên Liên minh hoặc của Việt Nam tương ứng, và tham gia vào các hoạt động kinh doanh đáng kể2 trong phạm vi lãnh thổ của Liên minh hoặc của Việt Nam;

một pháp nhân:

(i) được "sở hữu" bởi thể nhân hoặc pháp nhân của một trong hai Bên nếu thể nhân hoặc pháp nhân đó sở hữu trên 50 phần trăm lợi ích cổ phần; hoặc

(ii) được "kiểm soát" bởi thể nhân hoặc pháp nhân của một Bên nếu thể nhân hoặc pháp nhân đó có quyền chỉ định đa số các giám đốc hoặc có quyền điều hành hoạt động của pháp nhân đó một cách hợp pháp;

(d) “các dịch vụ được cung cấp và các hoạt động được thực hiện nhằm thực thi thẩm quyền của chính phủ” nghĩa là các dịch vụ được cung cấp hoặc các hoạt động được thực hiện không phải trên cơ sở thương mại và không cạnh tranh với một hoặc nhiều chủ thể kinh tế;

(e) “hoạt động kinh tế" bao gồm các hoạt động công nghiệp, thương mại và chuyên môn và hoạt động của các thợ thủ công, nhưng không bao gồm các dịch vụ được cung cấp hoặc các hoạt động được thực hiện nhằm thực thi quyền lực nhà nước;

(f) “hoạt động” đối với một khoản đầu tư, nghĩa là việc thực hiện, quản lý, bảo trì, sử dụng, thụ hưởng, bán hoặc các hình thức định đoạt khoản đầu tư đó;3

(g) “biện pháp được thông qua hoặc duy trì bởi một Bên” là các biện pháp được thực hiện bởi:

(i) các cơ quan và chính quyền trung ương, vùng hoặc địa phương; và

(ii) các cơ quan phi chính phủ trong việc thực thi quyền hạn của chính phủ hoặc cơ quan trung ương, vùng hoặc địa phương;

(h) “đầu tư” là mọi loại tài sản được sở hữu, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bởi nhà đầu tư của một Bên trên lãnh thổ4 của Bên kia, có các đặc điểm của một khoản đầu tư, bao gồm những đặc điểm như cam kết vốn hoặc các nguồn khác, kỳ vọng lợi nhuận, giả định rủi ro và thời hạn cố định; dưới hình thức:

(i) hữu hình hoặc vô hình, động sản hoặc bất động sản, cũng như các quyền tài sản khác, như cho thuê, thế chấp, thế nợ hoặc cầm cố;

(ii) doanh nghiệp5 cũng như cổ phần, cổ phiếu hoặc các hình thức góp vốn khác trong doanh nghiệp và các quyền phát sinh từ đó;

(iii) trái phiếu, giấy nợ, khoản vay hoặc các công cụ nợ khác, bao gồm cả quyền phát sinh từ đó;

(iv) hợp đồng “chìa khóa trao tay”, hợp đồng xây dựng, hợp đồng quản lý, hợp đồng sản xuất, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng chia sẻ doanh thu và các hợp đồng tương tự khác;

(v) quyền đòi tiền hoặc quyền đòi tài sản hoặc bất kỳ việc thực hiện hợp đồng nào có giá trị tài chính;6

(vi) các quyền sở hữu trí tuệ7 và lợi thế thương mại;

những thu nhập được đầu tư được xem là khoản đầu tư miễn là chúng có các đặc điểm của một khoản đầu tư và bất kỳ hình thức nào khác mà tài sản được đầu tư hoặc tái đầu tư không ảnh hưởng đến tính chất của tài sản và miễn là chúng vẫn có các đặc điểm của một khoản đầu tư;

(i) “nhà đầu tư của một Bên” là thể nhân của một Bên hoặc pháp nhân của một Bên có khoản đầu tư trên lãnh thổ của Bên kia;

(j) “thu nhập” là những khoản tiền thu được từ đầu tư hoặc tái đầu tư, bao gồm lợi nhuận, cổ tức, khoản thu từ vốn, tiền bản quyền, lãi, khoản thu liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, khoản thu hiện vật và các khoản thu nhập hợp pháp khác;

(k) “biện pháp” là bất kỳ biện pháp nào được đưa ra bởi một Bên, dưới hình thức luật, quy định, quy tắc, thủ tục, quyết định, biện pháp hành chính hoặc bất kỳ hình thức nào khác;

(l) “người” là thể nhân hoặc pháp nhân;

(m) “nước thứ ba” là nước hoặc vùng lãnh thổ nằm ngoài phạm vi lãnh thổ áp dụng của Hiệp định này như định nghĩa tại Điều 4.22 (Lãnh thổ áp dụng);

(n) “Bên Liên minh” là Liên minh hoặc nước thành viên của Liên minh và nước thành viên trong phạm vi thẩm quyền tương ứng nêu tại Hiệp ước Liên minh Châu Âu và Hiệp ước vận hành Liên minh Châu Âu;

(o) “Bên” là Liên minh hoặc Việt Nam;

(p) “trong nước” đối với Liên minh và các nước thành viên8 Liên minh là theo quy phạm pháp luật, luật hoặc các quy định, và đối với Việt Nam là theo quy phạm pháp luật, luật và các quy định ở cấp trung ương, khu vực hoặc địa phương; và

(q)“khoản đầu tư được bảo hộ” là một khoản đầu tư của nhà đầu tư của một Bên trên lãnh thổ của Bên kia, đã có từ ngày có hiệu lực Hiệp định này hoặc được tạo ra hoặc nhận sau ngày có hiệu lực, mà khoản đầu tư này được tạo ra phù hợp với luật và quy định hiện hành của Bên kia.

1 Nhằm giải thích rõ hơn, luật và quy định trong nước của các nước thành viên Liên minh bao gồm của luật và quy định của Liên minh.

2 Cùng với việc thông báo thực hiện Hiệp ước thành lập Cộng đồng Châu Âu gia nhập WTO (WT/REG39/1), Liên minh Châu Âu coi khái niệm “liên kết hiệu quả và liên tục” với các nền kinh tế của một nước thành viên của Liên minh Châu Âu tại Điều 54 của Hiệp ước vận hành Liên minh Châu Âu là tương đương với khái niệm “hoạt động kinh doanh đáng kể”.

Theo đó, đối với một pháp nhân được thành lập theo luật pháp và quy định của Việt Nam và chỉ có văn phòng đăng ký hoặc trụ sở chính trong lãnh thổ Việt Nam, Liên minh Châu Âu sẽ chỉ mở rộng những lợi ích của Hiệp định này nếu pháp nhân đó có liên kết kinh tế hiệu quả và liên tục với nền kinh tế Việt Nam.

3 Nhằm giải thích rõ hơn, hoạt động này không bao gồm các bước diễn ra tại thời điểm hoặc trước thời điểm hoàn thành các thủ tục cần thiết để thành lập doanh nghiệp liên quan theo quy định của pháp luật.

4 Nhằm giải thích rõ hơn, lãnh thổ của một Bên bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, theo quy định tại Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển, ký tại Montego Bay ngày 10 tháng 12 năm 1982 (sau đây gọi là “UNCLOS").

5 Trong phạm vi định nghĩa “đầu tư”, một “doanh nghiệp” không bao gồm văn phòng đại diện. Nhằm giải thích rõ hơn, một văn phòng đại diện được thành lập trên lãnh thổ của một Bên không được xem là một khoản đầu tư.

6 Nhằm giải thích rõ hơn, quyền đòi tiền không bao gồm quyền đòi tiền chỉ phát sinh từ hợp đồng thương mại bán hàng hóa hoặc dịch vụ của thể nhân hoặc pháp nhân trên lãnh thổ của một Bên cho thể nhân hoặc pháp nhân trên lãnh thổ của Bên kia, hoặc việc cấp tài chính cho hợp đồng đó không phải là khoản vay theo khoản (iii), hoặc bất kỳ lệnh, bản án hoặc phán quyết trọng tài có liên quan nào.

7 Trong phạm vi Hiệp định này, quyền sở hữu trí tuệ đề cập ít nhất đến các đối tượng sở hữu trí tuệ nêu từ Mục 1 đến Mục 7 Phần II của Hiệp định TRIPS, bao gồm:

(a) quyền tác giả và quyền liên quan;

(b) nhãn hiệu;

(c) chỉ dẫn địa lý;

(d) kiểu dáng công nghiệp;

(e) quyền sáng chế;

(f) thiết kế bố trí mạch tích hợp;

(g) bảo hộ thông tin bí mật; và

(h) giống cây trồng.

8 Thuật ngữ “thể nhân” bao gồm các thể nhân thường trú mà không phải là công dân của Latvia hay bất kỳ quốc gia nào khác nhưng được phép mang hộ chiếu dành cho người nước ngoài, theo luật và quy định của Latvia.

Chia sẻ bài viết lên facebook 7,224

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079