Bản dịch này thuộc bản quyền THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Bạn được khai thác sử dụng cho công việc của riêng mình, nhưng không được sao chép, đăng lại trên bất cứ phương tiện nào.

Toàn văn file word Bản tiếng Việt Hiệp định EVIPA
Toàn văn Bản tiếng Việt Phụ lục Hiệp định EVIPA

CHƯƠNG 4

CÁC ĐIỀU KHOẢN THỂ CHẾ, CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG VÀ CÁC ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

ĐIỀU 4.1

Ủy ban

1. Các Bên theo đây thành lập một Ủy ban bao gồm đại diện của Liên minh Châu Âu và Việt Nam

2. Ủy ban phải họp một năm một lần, trừ trường hợp Ủy ban Thương mại có quyết định khác, hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của một trong hai Bên. Các cuộc họp của Ủy ban phải diễn ra luân phiên tại Liên minh Châu Âu và tại Việt Nam, trừ khi các Bên có thoả thuận khác. Ủy ban được đồng chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam và Cao ủy của Ủy ban Châu Âu phụ trách về thương mại, hay đại diện tương ứng của mỗi Bên. Ủy ban phải thoả thuận về lộ trình và chương trình làm việc.

3. Ủy ban sẽ:

(a) đảm bảo rằng Hiệp định này được vận hành một cách chuẩn xác;

(b) giám sát và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi và áp dụng Hiệp định này, và thúc đẩy hơn nữa các mục tiêu chung của Hiệp định;

(c) xem xét các vấn đề quy định tại Chương này do một Bên đề cập tới;

(d) xem xét những vấn đề có thể phát sinh khi thực hiện Mục B (Giải quyết Tranh chấp giữa Nhà đầu tư và các Bên) của Chương 3 (Giải quyết tranh chấp);

(e) xem xét những cải thiện có thể đối với Mục B (Giải quyết Tranh chấp giữa Nhà đầu tư và các Bên) của Chương 3 (Giải quyết tranh chấp), đặc biệt phù hợp với kinh nghiệm và sự phát triển của các diễn đàn quốc tế khác;

(f) khi nhận được yêu cầu của một Bên, kiểm tra việc thực thi giải pháp đồng thuận đối với tranh chấp theo Mục B (Giải quyết Tranh chấp giữa Nhà đầu tư và các Bên) của Chương 3 (Giải quyết tranh chấp);

(g) kiểm tra dự thảo thủ tục làm việc do Chánh án Tòa án hoặc Tòa Phúc thẩm soạn căn cứ khoản 10 Điều 3.38 (Tòa án) và khoản 10 của Điều 3.39 (Tòa Phúc thẩm);

(h) tìm kiếm cách thức giải quyết các vấn đề có thể phát sinh trong các lĩnh vực được điều chỉnh tại Hiệp định này, hoặc giải quyết tranh chấp có thể phát sinh liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này mà không ảnh hưởng tới Chương 3 (Giải quyết tranh chấp); và

(i) xem xét bất kỳ vấn đề về lợi ích nào khác liên quan đến các lĩnh vực được điều chỉnh tại Hiệp định này.

4. Căn cứ vào các quy định có liên quan của Hiệp định này, Ủy ban có thể:

(a) thảo luận về các vấn đề thuộc phạm vi của Hiệp định này với tất cả các bên có lợi ích liên quan, bao gồm khu vực tư nhân, các đối tác xã hội, và các tổ chức xã hội dân sự;

(b) xem xét và đề xuất với các Bên việc sửa đổi Hiệp định này hoặc, trong trường hợp được quy định cụ thể tại Hiệp định này, sửa đổi bằng cách ra quyết định theo các điều khoản của Hiệp định này;

(c) thông qua diễn giải về các điều khoản của Hiệp định này, mà theo khoản 4 Điều 3.42 (Luật áp dụng và Quy tắc diễn giải) sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với các Bên và với mọi cơ quan được thành lập theo Hiệp định này, bao gồm cả các hội đồng trọng tài được đề cập tại Mục A (Giải quyết Tranh chấp giữa các Bên) của Chương 3 (Giải quyết tranh chấp) và các tòa án được thành lập theo Mục B (Giải quyết Tranh chấp giữa Nhà đầu tư và các Bên) của Chương 3 (Giải quyết tranh chấp);

(d) thông qua các quyết định hoặc đưa ra các khuyến ​​nghị như được quy định tại Hiệp định này;

(e) thông qua các quy định về thủ tục của mình;

(f) thực hiện bất kỳ hoạt động nào khác để thực thi chức năng của mình theo Hiệp định này.

5. Ủy ban có thể, theo các điều khoản liên quan của Hiệp định này và sau khi hoàn thành yêu cầu và thủ tục pháp lý của các Bên

(a) thông qua các quyết định chỉ định thành viên Tòa án và thành viên Tòa phúc thẩm căn cứ vào khoản 2 Điều 3.38 (Tòa án) và khoản 3 Điều 3.39 (Tòa phúc thẩm); việc tăng hoặc giảm số thành viên căn cứ vào khoản 3 Điều 3.38 (Tòa án) và khoản 4 Điều 3.39 (Tòa phúc thẩm); và cách chức một thành viên khỏi Tòa án hoặc Tòa phúc thẩm căn cứ vào khoản 5 Điều 3.40 (Đạo đức);

(b) thông qua và sau đó sửa đổi các quy tắc bổ sung quy tắc giải quyết tranh chấp hiện hành nêu tại khoản 4 Điều 3.33 (Đệ trình khiếu nại); những quy tắc và sửa đổi đó sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với Tòa án và Tòa phúc thẩm;

(c) thông qua quyết định áp dụng Điều 3(3) của Bộ quy tắc UNCITRAL về Tính minh bạch thay thế khoản 3 Điều 3.46 (Sự minh bạch của Quy trình tố tụng);

(d) đưa ra mức phí tạm ứng cho dịch vụ pháp lý cố định nêu tại khoản 14 Điều 3.38 (Tòa án) và khoản 14 Điều 3.39 (Tòa phúc thẩm) cũng như những khoản phí và chi phí phát sinh của các thành viên của Tòa phúc thẩm, của Chánh án Tòa án, và của Tòa phúc thẩm căn cứ theo các khoản 14 và 16 của Điều 8.28 (Tòa án) và các khoản 14 và 16 của Điều 3.39 (Tòa phúc thẩm);

(e) chuyển mức phí tạm ứng cho dịch vụ pháp lý và các phí và chi phí khác của các thành viên của Tòa án và của Tòa phúc thẩm thành khoản lương thường xuyên căn cứ khoản 17 Điều 3.38 (Tòa án) và khoản 17 Điều 3.39 (Tòa phúc thẩm);

(f) thông qua hoặc bác bỏ dự thảo thủ tục làm việc do Chánh án Tòa án hoặc Tòa án Phúc thẩm soạn căn cứ khoản 10 Điều 3.38 (Tòa án) và khoản 10 của Điều 3.39 (Tòa án Phúc thẩm);

(g) thông qua quyết định về thỏa thuận chuyển tiếp cần thiết căn cứ Điều 3.41 (Cơ chế Giải quyết Tranh chấp Đa phương); và

(h) thông qua các quy tắc bổ sung về phí căn cứ khoản 5 Điều 3.53 (Phán quyết tạm thời).

ĐIỀU 4.2

Việc ra quyết định của Ủy ban

1. Để đạt được những mục tiêu của Hiệp định này, Ủy ban phải có thẩm quyền đưa ra quyết định trong trường hợp quy định tại Hiệp định này. Các quyết định đưa ra có tính ràng buộc thực hiện giữa các Bên và các Bên sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để thực thi các quyết định đó.

2. Ủy ban Thương mại có thể đưa ra các khuyến nghị phù hợp với các Bên.

3. Mọi quyết định và khuyến nghị của Ủy ban sẽ được đưa ra dựa trên nguyên tắc đồng thuận.

ĐIỀU 4.3

Sửa đổi

1. Các Bên có thể sửa đổi Hiệp định này.   Một sửa đổi phải có hiệu lực sau khi các Bên trao đổi thông báo bằng văn bản xác nhận rằng đã hoàn thành các thủ tục và yêu cầu pháp lý trong nước như được quy định tại Điều 4.9 (Hiệu lực).

2. Bất kể quy định tại khoản 1 và hay tại điều khoản khác của Hiệp định này, các Bên có thể thông qua quyết định sửa đổi Hiệp định này tại Ủy ban. Điều này không ảnh hưởng đến việc hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước của mỗi Bên.

ĐIỀU 4.4

Các Biện pháp Thuế

1. Hiệp định này không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của Việt Nam hay Liên minh hoặc một trong các nước thành viên của Liên minh theo các hiệp định thuế giữa Việt Nam và bất kỳ nước thành viên hay các nước trong Liên minh. Trong trường hợp có sự không thống nhất giữa Hiệp định này và bất kỳ hiệp định thuế nào nói trên, hiệp định thuế đó phải được ưu tiên áp dụng trong phạm vi của nội dung không thống nhất đó.

2. Khi áp dụng các điều khoản có liên quan trong hệ thống pháp luật về tài chính của các Bên, không điều khoản nào trong Hiệp định này được hiểu là ngăn cản các Bên phân biệt giữa những người nộp thuế không trong hoàn cảnh giống nhau, cụ thể là nơi cư trú hoặc nơi nhận vốn đầu tư của Bên đó.

3. Không điều khoản nào trong Hiệp định này được hiểu là ngăn cản việc áp dụng hoặc thi hành bất kỳ biện pháp nhằm ngăn ngừa việc tránh thuế hay trốn thuế theo quy định thuế của các hiệp định tránh đánh thuế hai lần hoặc các thỏa thuận khác về thuế, hoặc pháp luật tài chính trong nước.

ĐIỀU 4.5

Ngoại lệ thận trọng

1. Không quy định nào trong Hiệp định này ngăn cản một Bên áp dụng hoặc duy trì các biện pháp vì lý do an toàn thận trọng, như là:

(a) bảo vệ các nhà đầu tư, người gửi tiền, người nắm giữ hợp đồng bảo hiểm hoặc những người mà một nhà cung cấp dịch vụ tài chính nhận ủy thác phải có trách nhiệm; hoặc

(b) đảm bảo tính toàn vẹn và ổn định của hệ thống tài chính của Bên đó.

2. Những biện pháp được nêu tại khoản 1 sẽ không tạo gánh nặng hơn mức cần thiết để đạt được mục tiêu của các biện pháp đó.

3. Không quy định nào của Hiệp định này sẽ được hiểu là yêu cầu một Bên tiết lộ các thông tin liên quan đến công việc và tài khoản của khách hàng cá nhân hoặc bất kỳ thông tin bí mật hoặc thông tin độc quyền thuộc sở hữu của tổ chức công.

ĐIỀU 4.6

Các ngoại lệ chung

Với điều kiện các biện pháp này không được áp dụng theo cách tạo thành một phương tiện phân biệt đối xử tùy tiện hoặc vô lý giữa các quốc gia có điều kiện tương tự, hoặc trở thành hạn chế trá hình đối với khoản đầu tư được bảo hộ, không quy định nào của các Điều 2.3 (Đối xử Quốc gia) và 2.4 (Đối xử Tối huệ quốc) được hiểu là ngăn cản một Bên thông qua hoặc thực thi bất kỳ biện pháp nào mà:

(a) cần thiết để bảo vệ an ninh công cộng hoặc đạo đức xã hội hoặc để duy trì trật tự công cộng;

(b) cần thiết để bảo vệ cuộc sống hoặc sức khỏe của con người, động vật hoặc thực vật;

(c) liên quan đến việc bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt nếu các biện pháp đó được áp dụng cùng với những hạn chế đối với nhà đầu tư trong nước hoặc các nguồn cung ứng và tiêu dùng trong nước;

(d) cần thiết để bảo vệ bảo vệ quốc gia có giá trị nghệ thuật, lịch sử hoặc khảo cổ học;

(e) cần thiết để đảm bảo sự tuân thủ luật pháp hoặc các quy định không trái với các quy định của các Điều 2.3 (Đối xử Quốc gia) và 2.4 (Đối xử Tối huệ quốc) bao gồm các quy định liên quan đến:

(i) công tác phòng chống hành vi lừa đảo và gian lận hoặc để đối phó với những ảnh hưởng của việc vi phạm hợp đồng;

(ii) bảo vệ sự riêng tư của cá nhân liên quan đến việc xử lý và phổ biến các dữ liệu cá nhân và bảo vệ bí mật các hồ sơ và tài khoản cá nhân; hoặc

(iii) an toàn;

hoặc

(f) không phù hợp với khoản 1 Điều 2.3 (Đối xử Quốc gia) với điều kiện sự đối xử khác biệt nhằm mục đích đảm bảo việc thu hoặc áp thuế trực tiếp một cách hiệu quả và công bằng đối với các hoạt động kinh tế, các nhà đầu tư của Bên kia1.

ĐIỀU 4.7

Ngoại lệ cụ thể

Không quy định nào trong Chương 2 (Bảo hộ đầu tư) áp dụng đối với biện pháp không phân biệt đối xử áp dụng chung bởi các tổ chức công nhằm thực thi chính sách tiền tệ hoặc chính sách tỷ giá hối đoái. Điều này không ảnh hưởng nghĩa vụ của một Bên theo Điều 2.8 (Chuyển nhượng).

ĐIỀU 4.8

Ngoại lệ an ninh

Hiệp định này không được hiểu là:

(a) yêu cầu một Bên phải cung cấp thông tin mà Bên đó cho rằng việc đưa ra thông tin đó trái với lợi ích an ninh thiết yếu của mình;

(b) ngăn cản một Bên tiến hành bất kỳ hành động nào dưới đây mà Bên đó cho rằng cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh thiết yếu của mình:

(i) liên quan tới sản xuất hoặc mua bán vũ khí, đạn dược và vật tư quân dụng cho chiến tranh và liên quan đến việc mua bán các hàng hóa và nguyên vật liệu khác và các hoạt động kinh tế được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp vì mục đích cung ứng cho quân đội;

(ii) liên quan đến việc cung cấp dịch vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho mục đích cung ứng cho quân đội;

(iii) liên quan đến việc tách hoặc làm giàu vật liệu hạt phân hoặc các vật liệu có chứa hạt nhân; hoặc

(iv) được áp dụng trong thời kỳ chiến tranh hoặc các tình trạng khẩn cấp khác trong quan hệ quốc tế;

(c) ngăn cản một Bên hành động để thực hiện các nghĩa vụ theo Hiến chương Liên hợp quốc, ký tại San Francisco ngày 26 tháng 6 năm 1945, nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

ĐIỀU 4.9

Áp dụng Luật và các Quy định

Điều 2.8 (Chuyển nhượng) không được hiểu là ngăn cản một Bên áp dụng pháp luật và quy định nội địa của mình một cách công bằng và không phân biệt đối xử và không gây ra hạn chế trá hình đối với thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực:

(a) phá sản, mất khả năng thanh toán, phục hồi và cơ cấu lại ngân hàng, bảo vệ quyền của chủ nợ, hoặc giám sát thận trọng các tổ chức tài chính;

(b) phát hành, giao dịch hoặc mua bán các công cụ tài chính;

(c) báo cáo tài chính hoặc lưu giữ sổ sách liên quan đến việc chuyển tiền khi cần thiết để hỗ trợ việc thực thi pháp luật hoặc hỗ trợ các cơ quan quản lý tài chính;

(d) tội phạm hình sự, hành vi lừa đảo hoặc gian lận;

(e) đảm bảo việc thực thi các phán quyết của một quy trình tố tụng; hoặc

(f) an sinh xã hội, quỹ hưu trí công hoặc cơ chế tiết kiệm bắt buộc.

ĐIỀU 4.10

Các Biện pháp Tự vệ Tạm thời

Trong trường hợp đặc biệt khó khăn cho việc vận hành liên minh kinh tế và tiền tệ của Liên minh, hoặc khi có khó khăn nghiêm trọng hoặc khi có nguy cơ xảy ra những khó khăn nghiêm trọng đó đối với các chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái của Việt Nam, Bên liên quan có thể áp dụng biện pháp tự vệ thực sự cần thiết đối với việc chuyển tiền trong một khoảng thời gian không quá một năm.

ĐIỀU 4.11

Các Biện pháp hạn chế trong trường hợp gặp khó khăn về Cán cân Thanh toán hoặc Tài chính Bên ngoài

1. Trong trường hợp một Bên gặp khó khăn nghiêm trọng hoặc có nguy cơ gặp khó khăn nghiêm trọng trong cán cân thanh toán hoặc tài chính bên ngoài, Bên đó có thể ban hành hoặc duy trì các biện pháp tự vệ đối với việc di chuyển vốn, thanh toán hoặc chuyển tiền mà các biện pháp đó sẽ:

(a) không mang tính phân biệt đối xử đối với các nước thứ ba trong các tình huống tương tự;

(b) không vượt quá phạm vi cần thiết để cân đối lại cán cân thanh toán hay giải quyết khó khăn tài chính từ bên ngoài;

(c) phù hợp với các Điều khoản của Hiệp định của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế khi được áp dụng;

(d) tránh gây thiệt hại không cần thiết đối với lợi ích thương mại, kinh tế và tài chính của Bên kia; và

(e) chỉ mang tính tạm thời và được giảm dần theo tiến trình tương ứng với tình hình được cải thiện.

2. Một Bên đang duy trì hoặc đã ban hành các biện pháp nêu tại khoản 1 phải ngay lập tức thông báo cho Bên kia về biện pháp đó và đưa ra lộ trình xóa bỏ các biện pháp đó sớm nhất có thể.

3. Khi các hạn chế được ban hành hoặc duy trì theo khoản 1, việc tham vấn phải được tổ chức ngay lập tức tại Ủy ban trừ khi các tham vấn đó được tổ chức tại các diễn đàn khác. Việc tham vấn sẽ đánh giá tình trạng cán cân thanh toán hoặc khó khăn tài chính bên ngoài là nguyên nhân dẫn tới các biện pháp đó, có tính đến, trong nhiều yếu tố khác, các yếu tố sau:

(a) bản chất và phạm vi của những khó khăn;

(b) môi trường kinh tế và thương mại bên ngoài; hoặc

(c) các biện pháp khắc phục thay thế có thể phù hợp.

Việc tham vấn phải chỉ ra sự tuân thủ của các biện pháp hạn chế với quy định từ khoản 1 đến khoản 3. Mọi kết luận phù hợp về số liệu hay bản chất thực tế mà IMF đưa ra sẽ được chấp nhận và các kết luận sẽ tính đến đánh giá của IMF về tình hình cán cân thanh toán và tài chính bên ngoài của Bên liên quan.

ĐIỀU 4.12

Công bố thông tin

1. Không điều khoản nào trong Hiệp định này được giải thích nhằm yêu cầu một Bên công bố các thông tin mật mà gây cản trở việc thi hành pháp luật hoặc trái với lợi ích công cộng, hoặc ảnh hưởng đến lợi ích thương mại hợp pháp của các doanh nghiệp công hoặc tư cụ thể, ngoại trừ trường hợp có yêu cầu cung cấp thông tin mật từ một hội đồng trọng tài trong quy
trình tố tụng giải quyết tranh chấp theo Mục A (Giải quyết Tranh chấp giữa các Bên) của Chương 3 (Giải quyết tranh chấp). Trong những trường hợp như vậy, hội đồng trọng tài phải đảm bảo rằng các thông tin đó được bảo mật đầy đủ.

2. Khi một Bên đệ trình lên Ủy ban thông tin được xem là thông tin mật theo quy định của các quy định pháp luật của Bên đó, Bên kia phải bảo mật thông tin đó, trừ khi Bên đệ trình thông tin không yêu cầu giữ bí mật.

ĐIỀU 4.13

Hiệu lực

1. Hiệp định này phải được các Bên thông qua hoặc phê chuẩn phù hợp với thủ tục pháp lý tương ứng của mỗi Bên.

2. Hiệp định này phải có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các Bên đã thông báo cho nhau về việc đã hoàn thành thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực. Các Bên có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác.

3. Các thông báo phải được gửi đến Tổng thư ký của Hội đồng Liên minh Châu Âu và đến Bộ Công Thương Việt Nam.

4. Hiệp định này có thể được áp dụng tạm thời nếu các Bên đồng ý. Trong trường hợp đó, Hiệp định này có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng sau tháng mà Liên minh và Việt Nam đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định áp dụng tạm thời. Các Bên có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác.

5. Trong trường hợp một số điều khoản của Hiệp định này không thể áp dụng tạm thời, Bên nào không thể áp dụng tạm thời điều khoản nào phải thông báo cho Bên kia các điều khoản đó. Bất kể quy định tại khoản 4, miễn là Bên kia đã hoàn thành thủ tục pháp lý tương ứng đối với việc áp dụng tạm thời và không phản đối việc áp dụng tạm thời trong vòng 10 ngày kể từ ngày thông báo một số điều khoản không thể áp dụng tạm thời, những điều khoản trong Hiệp định này không được thông báo sẽ được áp dụng tạm thời từ ngày đầu tiên của tháng sau ngày thông báo.

6. Một Bên có thể chấm dứt việc áp dụng tạm thời bằng cách gửi thông báo bằng văn bản tới Bên kia. Việc chấm dứt này có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi thông báo.

7. Nếu toàn bộ hoặc một số điều khoản của Hiệp định này được áp dụng tạm thời, thuật ngữ “ngày có hiệu lực của Hiệp định này” được hiểu là ngày áp dụng tạm thời. Ủy ban hoặc các cơ quan khác được thành lập theo Hiệp định này có thể thực hiện chức năng của mình khi áp dụng tạm thời Hiệp định này. Mọi quyết định được ban hành để thực hiện các chức năng đó chỉ chấm dứt hiệu lực nếu việc áp dụng tạm thời Hiệp định này chấm dứt và Hiệp định này không có hiệu lực.

ĐIỀU 4.14

Thời hạn

1. Hiệp định này có hiệu lực vô thời hạn.

2. Liên minh hoặc Việt Nam có thể thông báo bằng văn bản cho Bên kia về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này.

Việc chấm dứt Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày cuối cùng tháng thứ sáu sau khi có thông báo.

ĐIỀU 4.15

Chấm dứt hiệu lực

Trong trường hợp Hiệp định này chấm dứt hiệu lực căn cứ Điều 4.10 (Thời hạn), các điều khoản Chương 1 (Mục tiêu và Định nghĩa chung), Điều 2.1 (Phạm vi), 2.2 (Đầu tư và Biện pháp quản lý và Mục tiêu) và 2.5 (Đối xử đầu tư) đến 2.9 (Thế quyền), các điều khoản liên quan của Chương 4 và các điều khoản của Mục B (Giải quyết Tranh chấp giữa Nhà đầu tư và các Bên) của Chương 3 (Giải quyết Tranh chấp giữa Nhà đầu tư và các Bên) vẫn tiếp tục có hiệu lực thêm 15 năm kể từ ngày Hiệp định chấm dứt hiệu lực, đối với những khoản đầu tư trước ngày chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác. Điều này không được áp dụng nếu việc áp dụng tạm thời Hiệp định này chấm dứt và Hiệp định này không có hiệu lực.

ĐIỀU 4.16

Thực thi các Nghĩa vụ

1. Các Bên sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp chung hay cụ thể cần thiết nào để thực thi các nghĩa vụ của mình theo Hiệp định này. Các Bên phải đảm bảo các mục tiêu đặt ra trong Hiệp định này được thực hiện.

2. Nếu một Bên cho rằng Bên kia đã vi phạm nghiêm trọng các Hiệp định Đối tác và Hợp tác, Bên đó có thể thực hiện các biện pháp phù hợp liên quan tới Hiệp định này theo Điều 57 của Hiệp định Đối tác và Hợp tác.

ĐIỀU 4.17

Chủ thể Thực thi các Quyền hạn do Cơ quan Chính phủ giao

Trừ khi có quy định khác trong Hiệp định này, mỗi Bên phải đảm bảo rằng bất kỳ chủ thể nào, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp được trao đặc quyền hoặc quyền ưu tiên, hoặc doanh nghiệp chỉ định độc quyền, mà được chỉ định là cơ quan điều hành, cơ quan hành chính, hoặc cơ quan chính phủ khác ở bất kỳ cấp độ quản lý nhà nước nào như được quy định trong pháp luật trong nước của Bên đó, sẽ hành động phù hợp với các nghĩa vụ của Bên đó theo Hiệp định này để thực thi thẩm quyền được giao.

ĐIỀU 4.18

Hiệu lực không Trực tiếp

Hiệp định này không được hiểu là ngăn cản các quyền hay áp đặt các nghĩa vụ đối với các chủ thể, ngoài những quyền và nghĩa vụ được tạo ra giữa các Bên theo công pháp quốc tế. Việt Nam có thể có quy định khác trong pháp luật nội địa.

ĐIỀU 4.19

Các Phụ lục

Các Phụ lục của Hiệp định này sẽ là một phần không tách rời của Hiệp định này.

ĐIỀU 4.20

Mối quan hệ với các Hiệp định khác

1. Trừ khi có quy định khác trong Hiệp định này, các hiệp định đã có trước đây giữa một bên là Liên minh hoặc các nước thành viên của Liên minh và một bên là Việt Nam sẽ không bị thay thế hoặc chấm dứt hiệu lực bởi Hiệp định này.

2. Hiệp định này sẽ trở thành một phần của các quan hệ chung giữa một bên là Liên minh và các quốc gia thành viên Liên minh và bên kia là Việt Nam như đã được quy định tại Hiệp định Đối tác và Hợp tác và sẽ trở thành một phần của khuôn khổ thể chế chung.

3. Hiệp định này không yêu cầu một Bên phải hành động theo cách thức không phù hợp với các nghĩa vụ của Bên đó theo Hiệp định Marrakesh Thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới, ký tại Marrakesh ngày 15 tháng 4 năm 1994.

4. Vào ngày có hiệu lực của Hiệp định này, các hiệp định giữa các nước thành viên của Liên minh và Việt Nam được liệt kê tại Phụ lục 6 (Danh sách Hiệp định đầu tư) bao gồm các quyền và nghĩa vụ quy định trong các hiệp định đó sẽ chấm dứt hiệu lực và được thay thế bởi Hiệp định này.2

5. Trường hợp áp dụng tạm thời theo khoản 4 Điều 4.13 (Hiệu lực), việc áp dụng các điều khoản của các hiệp định liệt kê tại Phụ lục 6 (Danh sách Hiệp định đầu tư) cũng như các quyền và nghĩa vụ quy định trong các hiệp định đó sẽ ngưng hiệu lực kể từ ngày áp dụng tạm thời.3 Trong trường hợp việc áp dụng tạm thời Hiệp định này chấm dứt và Hiệp định này không có hiệu lực, việc tạm ngưng hiệu lực chấm dứt và các hiệp định liệt kê tại Phụ lục 6 (Danh sách Hiệp định đầu tư) có hiệu lực.4

6. Bất kể quy định tại khoản 4 và 5, một đơn khiếu nại có thể được đệ trình theo một trong các hiệp định liệt kê tại Phụ lục 6 (Danh sách Hiệp định đầu tư) phù hợp với các quy tắc và thủ tục quy định tại hiệp định đó, miễn là:

(a) khiếu nại phát sinh từ sự vi phạm hiệp định đó mà vi phạm xảy ra trước ngày tạm ngưng áp dụng hiệp định đó căn cứ theo khoản 5, hoặc trước ngày có hiệu lực của Hiệp định này nếu việc áp dụng hiệp định đó không tạm ngưng theo khoản 5; và

(b) tạm ngưng không quá ba năm kể từ ngày tạm ngưng áp dụng hiệp định đó căn cứ theo khoản 5, hoặc kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này nếu việc áp dụng hiệp định đó không tạm ngưng theo khoản 5 cho đến ngày đệ trình khiếu nại.

7. Bất kể quy định tại khoản 4 và 5, nếu việc áp dụng tạm thời Hiệp định này chấm dứt và Hiệp định này không có hiệu lực, một khiếu nại có thể được đệ trình căn cứ theo Hiệp định này và phù hợp với các quy tắc và thủ tục quy định tại Hiệp định này, miễn là:

(a) khiếu nại phát sinh từ sự vi phạm Hiệp định này mà vi phạm đó xảy ra trong khoảng thời gian áp dụng tạm thời Hiệp định này; và

(b) tạm ngưng không quá ba năm kể từ ngày chấm dứt việc áp dụng tạm thời đến ngày đệ trình khiếu nại.

8. Nhằm giải thích rõ hơn, không được đệ trình khiếu nại căn cứ theo Hiệp định này và phù hợp với các quy tắc và thủ tục quy định tại Hiệp định này nếu khiếu nại đó phát sinh từ sự vi phạm Hiệp định này mà vi phạm đó xảy ra trước ngày có hiệu lực của Hiệp định này hoặc trước ngày áp dụng tạm thời, nếu Hiệp định này được áp dụng tạm thời.

9. Trong phạm vi Điều này, định nghĩa “ngày có hiệu lực của Hiệp định này” quy định tại khoản 7 Điều 4.13 (Hiệu lực) không được áp dụng.

ĐIỀU 4.21

Việc Gia nhập trong Tương lai vào Liên minh Châu Âu

1. Liên minh phải thông báo cho Việt Nam về bất kỳ đề nghị gia nhập của nước thứ ba vào Liên minh.

2. Trong quá trình đàm phán giữa Liên minh và quốc gia kiến nghị gia nhập, Liên minh sẽ nỗ lực để:

(a) cung cấp thông tin liên quan đến bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi Hiệp định này theo yêu cầu của Việt Nam trong phạm vi có thể; và

(b) xem xét các quan ngại của phía Việt Nam.

3. Liên minh sẽ thông báo cho phía Việt Nam về hiệu lực của bất kỳ việc gia nhập nào vào Liên minh Châu Âu.

4. Uỷ ban Thương mại phải xem xét một cách đầy đủ trước ngày gia nhập của nước thứ ba vào Liên minh về bất kỳ ảnh hưởng nào mà việc gia nhập đó có thể có đối với Hiệp định này.

5. Tất cả thành viên mới của Liên minh phải gia nhập vào Hiệp định này kể từ ngày gia nhập vào Liên minh theo quy định của điều khoản gia nhập. Nếu việc gia nhập Liên minh không khiến thành viên đó tự động gia nhập Hiệp định này, thành viên đó phải gia nhập Hiệp định này bằng cách nộp lưu chiểu việc gia nhập Hiệp định này cho Tổng thư ký Hội đồng Liên minh và Bộ Ngoại giao Việt nam hoặc cơ quan dưới quyền. Các Bên có thể, bằng quyết định của Ủy ban, đưa ra bất kỳ điều chỉnh cần thiết hoặc thỏa thuận chuyển tiếp nào.

ĐIỀU 4.22

Lãnh thổ áp dụng

Hiệp định này áp dụng:

(a) về phía Liên minh, đối với các vùng lãnh thổ áp dụng Hiệp ước Liên minh Châu Âu và Hiệp ước về chức năng của Liên minh Châu Âu và được áp dụng và theo các điều kiện tại các Hiệp ước này; và

(b) về phía Việt Nam, đối với lãnh thổ Việt Nam.

Các dẫn chiếu đến “lãnh thổ” trong Hiệp định này được hiểu theo nghĩa là lãnh thổ, trừ khi có quy định khác.

ĐIỀU 4.23

Văn bản chính thức

Hiệp định này được lâp thành hai bộ bằng tiếng Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Đan Mạch, Hà Lan, Anh, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ý, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Việt Nam, mỗi bản ngôn ngữ đều có giá trị ngang nhau.

1 Các biện pháp nhằm đảm bảo việc thu hoặc áp thuế trực tiếp một cách hiệu quả và công bằng bao gồm các biện pháp được một Bên áp dụng theo hệ thống thuế của Bên đó:

(i) áp dụng đối với nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ không cư trú với việc công nhận thực tế là các nghĩa vụ thuế của người không cư trú được xác định đối với các mặt hàng chịu thuế được tạo ra hay nằm trong lãnh thổ của một Bên;

(ii) áp dụng đối với người không cư trú để đảm bảo việc áp thuế hoặc thu thuế trong lãnh thổ của một Bên;

(iii) áp dụng đối với người không cư trú hoặc công dân để ngăn ngừa việc trốn hoặc tránh thuế, bao gồm cả các biện pháp phù hợp;

(iv) áp dụng đối với người tiêu dùng dịch vụ được cung cấp trong hoặc từ lãnh thổ của một Bên khác để đảm bảo việc áp thuế hoặc thu thuế đối với người tiêu dùng này xuất phát từ các nguồn trong lãnh thổ của Bên đó;

(v) phân biệt giữa các nhà đầu tư và các nhà cung cấp dịch vụ chịu thuế đối với các mặt hàng chịu thuế trên toàn thế giới với các nhà đầu tư và các nhà cung cấp dịch vụ khác, với việc công nhận về sự khác biệt bản chất của cơ sở tính thuế giữa họ; hoặc

(vi) xác định, phân bổ hoặc phân chia thu nhập, lợi nhuận, khấu trừ hoặc tín dụng của người hoặc các chi nhánh thường trú, hoặc giữa những người hoặc các chi nhánh của cùng một thực thể có liên quan, để bảo vệ cơ sở tính thuế của một Bên.

Các định nghĩa và khái niệm thuế trong điểm (f) và trong chú thích này được xác định theo các định nghĩa và khái niệm về thuế, định nghĩa và khái niệm tương đương hoặc tương tự, theo luật pháp và quy định của Bên áp dụng biện pháp.

2 Các Bên thỏa thuận rằng “điều khoản hoàng hôn” quy định trong các hiệp định liệt kê tại Phụ lục 6 (Danh sách Hiệp định Đầu tư) cũng sẽ hết hiệu lực.

3 Các Bên thỏa thuận rằng “điều khoản hoàng hôn” quy định trong các hiệp định liệt kê tại Phụ lục 6 (Danh sách Hiệp định Đầu tư) cũng sẽ tạm ngưng hiệu lực.

4 Nhằm giải thích rõ hơn, câu này không làm có hiệp định chưa có hiệu lực hoặc bị chấm dứt hiệu lực theo các điều khoản của hiệp định đó có hiệu lực.

Chia sẻ bài viết lên facebook 8,486

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079