Ngân hàng tiết kiệm nhà ở: Khó khả thi!

17/12/2013 15:38 PM

Ông Trần Kim Chung cho rằng, để mô hình này khả thi cần hội tụ 3 yếu tố: có hệ thống văn bản pháp luật đủ mạnh; nền kinh tế đủ ổn định và thu nhập đủ mức.

Đánh giá về đề xuất thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, một số chuyên gia cho rằng, hiện tại hệ thống TCTD Việt Nam đang quá nhiều ngân hàng và đang trong quá trình tái cơ cấu theo hướng giảm lượng, tăng chất. Và bản thân các ngân hàng đã có những sản phẩm tín dụng hướng đến đối tượng trên. Do vậy, việc thành lập thêm một ngân hàng tiết kiệm nhà ở là không cần thiết.

Ý tưởng tốt

Tại một buổi Hội thảo gần đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định: năm 2017 là thời điểm thích hợp cho sự ra đời của ngân hàng tiết kiệm nhà ở đầu tiên tại Việt Nam.

Viện dẫn cho đề xuất này, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay, do ngân sách Nhà nước hạn hẹp nên thời gian qua, phát triển nhà ở chủ yếu phụ thuộc vào kênh tín dụng thương mại. Và khi khủng hoảng tài chính xảy ra, các ngân hàng thắt chặt hoặc dừng cho vay khiến DN bất động sản gặp khó khăn do thiếu vốn, thị trường lại đóng băng. Theo đó, gây tác động xấu đến nền kinh tế.

Do vậy, theo ông Nam, ngoài kênh tín dụng thương mại thì Luật Nhà ở (sửa đổi) cần phải có quy định để hình thành thêm các định chế tài chính mới như: Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ tín thác bất động sản và đặc biệt là mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở. “Việc thành lập mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở vừa huy động được nguồn tiền nhàn rỗi của người dân để phục vụ cho phát triển nhà ở, vừa tạo được ý thức tiết kiệm của các hộ gia đình, cá nhân cho việc xây dựng nhà ở”, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Đồng quan diểm này, TS. Volker Kreuziger, Giám đốc Bộ phận luật và thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Bauspar Schwabisch Hall cho rằng, trong thời điểm khủng hoảng tài chính thì đây là mô hình thích hợp. Hiện, ở nhiều nước châu Âu, các Quỹ tiết kiệm nhà ở đang đóng vai trò hế́t sức quan trọng trong việc mua và sở hữu nhà ở của người dân.

TS. Volker Kreuziger chia sẻ cách thức hoạt động mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở tại Đức: người tham gia tiết kiệm nhà ở ký kết một hợp đồng tiết kiệm nhà ở dựa trên tổng số tiền mà họ cần để đầu tư cho nhà ở. Sau đó, họ bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cất giữ một khoản trong thu nhập thường xuyên thông qua tài khoản tiết kiệm. Sau khi thực hiện nghĩa vụ tiết kiệm theo hợp đồng, người tham gia tiết kiệm nhà ở sẽ được tất toán toàn bộ số tiền tiết kiệm và được Ngân hàng tiết kiệm nhà ở cấp một khoản tín dụng sau khi thẩm định độ tín nhiệm và khả năng thanh toán.

Lãi suất của khoản vay tín dụng sẽ được ấn định tại thời điểm ký kết Hợp đồng tiết kiệm nhà ở và cố định trong toàn bộ thời gian vay. Do vậy, khách hàng không lo biến động lãi suất trên thị trường vốn. Hơn thế, mức lãi suất này thông thường thấp hơn lãi suất trên thị trường đối với các khoản tín dụng tương đương. Với cơ chế hoạt động này, cá nhân người mua hoặc sửa nhà sẽ tránh được rủi ro lãi suất… Đây là một trong những lý do mà mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở tại Đức tạo niềm tin lớn đối với người dân.

Nhưng ở Việt Nam có khả thi?

Việc thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực là một tín hiệu tích cực thúc đẩy thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở. Theo ông Lực, trước đây BIDV đã từng đề xuất ý tưởng này. Nhưng để triển khai thì tại Việt Nam còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề xung quanh thì ý tưởng này mới có khả năng hiện thực.

Theo TS. Lực, quan trọng và mấu chốt ở chỗ ai là cơ quan quản lý ngân hàng này. Vì, ngân hàng là ngành đặc thù nên nếu để bộ không có chuyên ngành, chuyên môn về lĩnh vực này sẽ rất khó khăn trong quản lý thanh khoản, dòng tiền ra vào, rủi ro tín dụng… “Rõ ràng với những quy định tại mô hình hoạt động của Ngân hàng tiết kiệm nhà ở chỉ có thể là NHTW hoặc cơ quan chuyên trách, thanh tra giám sát quản lý ngân hàng mới đảm nhiệm được tròn vai, hạn chế rủi ro hoạt động, tín dụng…”, ông Lực bày tỏ quan điểm.

Ở góc độ khác, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Kim Chung cho rằng, để mô hình này khả thi cần hội tụ 3 yếu tố: có hệ thống văn bản pháp luật đủ mạnh; nền kinh tế đủ ổn định và thu nhập đủ mức.

Nhưng, nhiều ý kiến quan ngại rằng, để hội tụ đủ 3 yếu tố trên sẽ phải mất rất nhiều năm. Do lạm phát của Việt Nam thường cao so với các nước trên thế giới, đồng nghĩa với việc VND có xu hướng mất giá liên tục. Theo đó, lãi suất có xu hướng tăng bởi các ngân hàng Việt Nam vẫn có quan điểm đảm bảo lãi suất huy động thực dương cho người gửi tiền. Do đó, duy trì một mức lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp, ổn định tới 10 năm là khó khả thi.

Đánh giá về đề xuất thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, một số chuyên gia cho rằng, hiện tại hệ thống TCTD Việt Nam đang quá nhiều ngân hàng và đang trong quá trình tái cơ cấu theo hướng giảm lượng, tăng chất. Và bản thân các ngân hàng đã có những sản phẩm tín dụng hướng đến đối tượng trên. Do vậy, việc thành lập thêm một ngân hàng tiết kiệm nhà ở là không cần thiết.

“Không biết cơ chế hoạt động của ngân hàng này sẽ được quy định như thế nào. Nhưng tôi e nếu không quản lý tốt sẽ tạo cho lợi ích nhóm và người dân có nhu cầu thật lại không được hưởng chính sách ưu đãi” - TS. Nguyễn Đức Thành, đến từ Đại học Kinh tế thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, băn khoăn.

Một vị chuyên gia khác đề xuất: thay vì thành lập ngân hàng chuyên biệt này, Bộ Xây dựng nên thực hiện tốt các chính sách của bộ này liên quan đến Quỹ tiết kiệm nhà ở đã được quy định trong Nghị định 71/2010 của Chính phủ sẽ thiết thực, ý nghĩa hơn nhiều.

Nguyễn Vũ

Theo  Thời Báo Ngân Hàng

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,207

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079