Mức bồi thường thiệt hại về nhà ở tại Bình Dương khi bị Nhà nước thu hồi đất từ 01/11/2024 (Hình từ internet)
Ngày 18/10/2024, UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định 45/2024/QĐ-UBND Ban hành Quy định về đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất và quy định mức bồi thường chi phí di chuyển tài sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, tại Điều 3 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định 45/2024/QĐ-UBND, đã quy định về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
(1) Đối với nhà ở, công trình phục vụ đời sống gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải tháo dỡ hoặc phá dỡ khi Nhà nước thu hồi đất thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật có liên quan.
Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình phục vụ đời sống gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải tháo dỡ hoặc phá dỡ vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng thì tính bồi thường phần giá trị nhà, công trình xây dựng bị phá dỡ (tính đến ranh giải tỏa) bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương và được cấp hỗ trợ thêm 30% giá trị nhà ở, công trình bị ảnh hưởng (từ ranh giải tỏa đến cột chịu lực gần nhất của nhà ở, công trình) đã bị tháo dỡ để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình xây dựng trước khi bị tháo dỡ, nhưng mức bồi thường không quá 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình xây dựng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại.
Giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình được tính theo diện tích xây dựng của nhà ở, công trình nhân với đơn giá xây dựng mới của nhà ở, công trình được Ủy ban nhân dân tỉnh quy định. Chủ sở hữu nhà ở, công trình được sử dụng các nguyên vật liệu còn lại của nhà ở, công trình.
(2) Đối với nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất không thuộc trường hợp quy định tại (1), khi Nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ hoặc phá dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà, công trình xây dựng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật về xây dựng.
(3) Đối với nhà, công trình xây dựng khác bị tháo dỡ hoặc phá dỡ không thuộc trường hợp quy định tại (1) và (2) trên nhưng vẫn tồn tại và sử dụng được phần còn lại thì được bồi thường thiệt hại theo quy định như sau:
- Mức bồi thường nhà, công trình xây dựng bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại và khoản tiền tỉnh bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng đó, trong đó:
Giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại (tính đến ranh giải tỏa) được xác định theo quy định công thức tại điểm b khoản 1 Điều 14 của Nghị định 88/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Khoản tiền tính bằng tỷ lệ 30% theo giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại (tính đến ranh giải tỏa), nhưng mức bồi thường không quá 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình xây dựng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại;
- Đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật chuyên ngành thì: Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định tính toán mức giá bồi thường, hỗ trợ (hoặc bồi thường, hỗ trợ chi phí di dời) hoặc phối hợp với chủ dự án liên hệ với tổ chức tư vấn có chức năng để xác định giá bồi thường, hỗ trợ (hoặc bồi thường, hỗ trợ chi phí di dời) cho từng tài sản cụ thể, báo cáo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án xem xét, thống nhất để làm cơ sở trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá bồi thường, hỗ trợ đối với tài sản (hoặc bồi thường, hỗ trợ chi phí di dời tài sản).
(4) Trường hợp nhà, công trình xây dựng khác, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tài sản khác là tài sản công thì sau khi tháo dỡ hoặc phá dỡ nhà, công trình, tài sản quy định tại (2) và (3) trên nếu có vật tư, vật liệu, tài sản thu hồi còn sử dụng được thì xử lý bán.
Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện việc bán vật tư, vật liệu, tài sản thu hồi quy định tại khoản này; việc bán thực hiện như việc bán vật tư, vật liệu thu hồi từ thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Số tiền thu được từ việc bán vật tư, vật liệu, tài sản thu hồi sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến việc bán được nộp vào ngân sách nhà nước tại địa phương.
(5) Đối với mồ mả trong phạm vi đất thu hồi phải di dời thì được bồi thường các chi phí bao gồm: chi phí đào, bốc, di dời, xây dựng mới và các chi phí hợp lý khác có liên quan trực tiếp để di dời mồ mả đến vị trí mới trong nghĩa trang theo quy hoạch của tỉnh; trường hợp tự thu xếp việc di chuyển mồ mả ngoài khu vực được bố trí thì được hỗ trợ tiền theo quy định.
Trường hợp các thành phố thuộc tỉnh nơi có đất thu hồi không còn quỹ đất trong các nghĩa trang: Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xem xét rà soát quỹ đất tại địa bàn các đơn vị hành chính cấp huyện khác để bố trí di dời mồ mả, báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Trường hợp người dân lựa chọn hình thức hỏa táng, lưu giữ tro cốt tại các cơ sở lưu giữ tro cốt hoặc thực hiện theo phong tục tập quán của địa phương nhằm thực hiện nếp sống văn minh, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường thì được hỗ trợ tiền theo quy định.
Trường hợp mồ mả trong phạm vi đất thu hồi phải di dời mà không có người thân thực hiện việc di dời thì đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có mồ mả phải di dời tiến hành các thủ tục di dời mồ mả theo phong tục, tập quán tại địa phương; kinh phí di dời được tính trong kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.
(6) Bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa nhà ở cho người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước nằm trong phạm vi thu hồi đất phải phá dỡ quy định tại Điều 16 Nghị định 88/2024/NĐ-CP của Chính phủ:
- Không được bồi thường đối với diện tích nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và diện tích cơi nới trái phép; đối với phần chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp được cấp có thẩm quyền cho phép thì được bồi thường 100% chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp; với mức bồi thường được tính bằng (=) chi phí thực tế tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp kèm theo hồ sơ, chứng từ chứng minh.
- Trường hợp không có hồ sơ, chứng từ chứng minh chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp thì người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có trách nhiệm phối hợp với đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các cơ quan có liên quan thực hiện việc xác định các khoản chi phí đó; đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tổng hợp và báo cáo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án xem xét để trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
- Trường hợp đặc biệt khi thu hồi không có nhà tái định cư để bố trí cho thuê theo quy định thì được hỗ trợ 60% giá trị nhà đang thuê.
Chỉ thực hiện bồi thường, hỗ trợ tài sản tồn tại trên đất bị thu hồi trước ngày có thông báo thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; đồng thời đã được kiểm kê của cơ quan chức năng. Không bồi thường, hỗ trợ tài sản do người bị thu hồi đất xây dựng sau ngày có thông báo thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
(Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 45/2024/QĐ-UBND)
Xem thêm tại Quyết định 45/2024/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 01/11/2024.