Không chịu trả nhà ở công vụ, sẽ cưỡng chế

25/09/2014 08:19 AM

Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều, song quy định về nhà ở công vụ tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mới nhất gần như không có gì thay đổi.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 và hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng 9 vừa qua, nhà ở công vụ là nội dung được tranh luận rất sôi nổi.

Theo quy định của dự thảo luật, đối tượng được thuê nhà ở công vụ không chỉ có cán bộ cấp cao mà gồm cả cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, được điều động, luân chuyển theo yêu cầu công tác, hạ sĩ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh..

Thuộc đối tượng được thuê loại nhà này còn có giáo viên công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.

Bác sĩ, nhân viên y tế được cử đến công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo hoặc được cử luân phiên có thời hạn xuống công tác tại các bệnh viện, các trung tâm y tế tuyến dưới theo quy định của pháp luật cũng nằm trong nhóm đối tượng được thuê nhà công vụ.

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách nói trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đối tượng được thuê nhà công vụ rộng như vậy là không khả thi.

Ở dự thảo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật gửi kèm dự thảo luật vừa được hoàn thiện ngày 22/9 gửi xin ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khái quát 4 loại ý kiến về nhà ở công vụ.

Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định tại dự thảo luật.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị chỉ nên áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, không áp dụng chế độ này cho các đối tượng được điều động, luân chuyển khác.

Loại ý kiến thứ ba, đề nghị chỉ đầu tư xây dựng nhà công vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, còn đối với cán bộ khi được điều động, luân chuyển đến các thành phố lớn thì đưa chế độ nhà ở công vụ vào tiền lương để họ tự thuê nhà ở nhằm tránh lãng phí, dàn trải.

Còn loại ý kiến thứ tư, đề nghị quy định chế độ nhà ở công vụ được áp dụng với tất cả các đối tượng thực hiện công vụ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, các đối tượng là giáo viên, bác sỹ... làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuê là hết sức cần thiết.

Bởi vậy Ủy ban đề nghị bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như luật nhà ở hiện hành thì phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thuê nhà ở công vụ. Đồng thời bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo luật.

Với lập luận này, quy định về đối tượng được thuê nhà công vụ gần như không có thay đổi gì, chỉ loại trừ đối tượng mà pháp luật quy định phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang, đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh.

Liên quan đến chế tài xử lý đối với trường hợp không trả lại nhà công vụ - vấn đề từng gây bức xúc dư luận - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đi nơi khác thì người thuê nhà nếu không tự nguyện trả lại thì sẽ bị cưỡng chế thu hồi.

Sau khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật sẽ tiếp tục được chỉnh lý trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới đây.

Nguyễn Lê

Theo VnEconomy

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,818

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079