Tranh luận về chính sách cho công nghiệp ôtô

28/04/2015 08:52 AM

Dù khẳng định Việt Nam vẫn rất cần có nền công nghiệp ôtô, song làm thế nào để ngành này có chỗ đứng vẫn là chủ đề được tranh luận sôi nổi tại buổi đối thoại cùng chủ đề do Bô Công thương tổ chức chiều 27/4.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc ban hành chiến lược phát triển công nghiệp ôtô lần thứ hai vào năm ngoái đã chứng tỏ quyết tâm của Việt Nam đối với ngành công nghiệp này. Sau hơn 10 năm triển khai chiến lược lần thứ nhất, lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận kinh nghiệm rút ra là các chính sách còn chung chung, cơ chế khuyên khích chưa đủ mạnh, đủ cụ thể để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản xuất.

“Vì vậy, tới đây chúng ta rất cần đối tác chiến lược có tầm vóc, quy mô về công nghệ, thị trường, tài chính để phát triển”, Thứ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Hiệp hội cơ khí - Đào Phan Long cũng cho rằng Việt Nam vẫn rất cần xây dựng công nghiệp ôtô. “Thị trường sẽ quyết định. Mà với một thị trường 100 triệu dân như Việt Nam thì không có nhà sản xuất nào bỏ cuộc đâu”, ông nhận định.

Chủ tịch ôtô Trường Hải – Trần Bá Dương nhìn nhận rằng chủ trương lôi kéo các hãng xe lớn chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất là khả thi bởi hiện nhiều ông lớn của thế giới chưa có nhà máy lớn ở ASEAN. Tuy nhiên, điều ông Dương lo ngại là quy mô thị trường trong nước vẫn chưa đủ lớn nên phải ưu đãi một vài năm nữa trên cơ sở quy mô đầu tư và dung lượng thị trường. “Nước nào cũng có hàng rào bảo hộ, trợ lực cho doanh nghiệp nội trong điều kiện thị trường chưa đủ lớn. Tôi quan niệm không thể dựa bảo hộ để sản xuất lâu dài, nhưng các doanh nghiệp cần được hỗ trợ trong giai đoạn nhất định và phải có dự án rõ ràng”, ông Dương nói.

Sau 20 năm, công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chủ yếu là lắp ráp

Trong khi đó, đại diện hai nhà sản xuất có vốn nước ngoài là Toyota và Honda cũng tin rằng với sự phục hồi trở lại của nền kinh tế, thị trường hơn 90 triệu dân là rất màu mỡ cho ngành ôtô. Vấn đề là sản xuất trong nước cần được bảo vệ đến khi quy mô phát triển hơn nữa.

Dù vậy, câu hỏi làm thế nào để sản xuất trong nước có bước đột phá, không chỉ dừng lại ở lắp ráp như hơn mười năm qua vẫn là một câu hỏi gây nhiều tranh luận.

“Chiến lược đã phê duyệt gần 10 tháng qua nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách rõ ràng”, ông Dương sốt ruột. Chủ tịch Trường Hải kiến nghị Bộ Tài chính xem lại mức tính thuế tiêu thụ đặc biệt giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp. “Ví dụ, thuế tiêu thụ xe nguyên chiếc được tính trên giá nhập về, chưa có lợi nhuận, thuế má phát sinh, nên tính trên giá bán buôn của nhà nhập khẩu nếu không sợ, nhất là chuyển giá khi tính thuế”, ông cảnh báo.

Thế nhưng từ phía nhà nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện Công ty Á Châu, chuyên nhập xe Audi lại phản bác. Ông nói: “Quan điểm của chúng tôi là cách tính thuế nhập khẩu hiện nay rất chính xác, không có gì phải thay đổi”.

Ông Dũng còn đặt vấn đề Nhà nước nên thu hồi các ưu đãi với các nhà sản xuất đã được hưởng song lại không đáp ứng các tiêu chuẩn về tỷ lệ nội địa hóa.

Theo Tổng giám đốc Toyota Việt Nam - Matura, do quy mô thị trường mỗi dòng xe còn quá thấp nên doanh nghiệp không thể nâng tỷ lệ nội địa hóa. “Nếu duy trì chính sách thuế ổn định, giúp thị trường tăng trưởng ổn định từng năm một đến khi quy mô mỗi dòng xe đủ lớn thì mới tăng được tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành xe”, ông nói.

Nhắc lại thời kỳ bùng nổ ôtô gần chục năm trước, đại diện Toyota cho rằng nếu tới đây Nhà nước hỗ trợ bằng chính sách thuế phí thì thị trường sẽ phát triển ổn định như mong đợi.

Trong khi đó, Chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên lại cho rằng chính sách vừa qua không sai mà chỉ là ở khâu thực hiện. Ông dẫn chứng, dù đang lãi lớn khi nhâp thiết bị về lắp ráp nhưng nghe theo chính sách ưu đãi của Nhà nước cho doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, làm khuôn vỏ nên ông quyết định đầu tư. Nhưng 3 năm qua doanh nghiệp này không được hưởng chính sách như Nhà nước đã hứa về vay vốn, giảm thuế. “Tôi chỉ muốn chính sách được minh bạch, nếu không thực hiện được thì hãy giải thích vì sao. Bằng không, doanh nghiệp sẽ mất niềm tin vào chính sách”, ông Huyên tha thiết.

“Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư nhưng chính sách phải ổn định. Chính sách chỉ nên tập trung khuyến khích, doanh nghiệp đã làm ăn được, hoặc từng thành công nhưng bây giờ khó khăn”, ông Đào Phan Long bổ sung.

Thứ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, chính sách đã không được thực thi tốt khiến doanh nghiệp đã không thể phát triển như kỳ vọng. Vị này cũng thanh minh rằng đã gần một năm sau khi ban hành chiến lược, cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành chính sách cụ thể là với tinh thần thận trọng để khi ban hành chính sách sẽ hoàn thiện, khắc phục các khiếm khuyết thời gian qua và đi vào cuộc sống.

Liên quan kiến nghị thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, Phó vụ trưởng Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính- Lưu Đức Huy thông tin, cơ quan này đã cũng đã khảo sát các doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị ban hành nghị định hướng dẫn luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và dự thảo quyết định của Thủ tướng về chính sách ôtô. Theo đó, một trong các hướng được xem xét là thuế này có thể được tính theo giá trị bộ linh kiện nhập khẩu.

Trước thông tin nói rằng Toyota "ra điều kiện" đòi hỗ trợ cả tỷ USD nếu không sẽ ngừng nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh tại buổi họp báo sau đó cho biết: "Qua thông tin trao đổi, không có cơ sở để nói Toyota sẽ chấm dứt đầu tư ở Việt Nam".

Theo ông Tuấn Anh, Toyota có đề nghị Chính phủ ưu đãi về thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, đây là vấn đề mà Chính phủ đã giao các bộ có trách nhiệm xây dựng chính sách, trong đó có vấn đề về chính sách thuế, phù hợp với cam kết hội nhập.

Chí Hiếu

            Theo VnExpress

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,623

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079