Không cho công an cấp xã điều tra

18/08/2015 08:00 AM

Nhiều đại biểu ủng hộ cho cơ quan kiểm ngư thẩm quyền điều tra ban đầu để thực hiện nhiệm vụ trên biển.

Ngày 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Đây là dự luật vừa được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII cho ý kiến hồi tháng 6-2015.

So với dự thảo cũ, dự thảo lần này đã bỏ năm điều luật, nhập hai điều luật khác thành một điều, thêm hai điều luật mới. Hiện dự thảo còn sáu vấn đề lớn đang có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề trách nhiệm điều tra của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an (gọi chung là công an cấp xã) và thẩm quyền điều tra của một số cơ quan như kiểm ngư, thuế, chứng khoán nhà nước.

Công an cấp xã không nên điều tra

Các đại biểu đồng tình với ý kiến không quy định trong dự thảo việc công an cấp xã được tiến hành một số hoạt động điều tra.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc Pháp lệnh Công an xã giao cho công an cấp xã một số thẩm quyền như giữ người, khám xét… đến nay đã không còn phù hợp vì liên quan đến quyền con người theo Hiến pháp 2013. Vì thế, ông Lý e ngại trước việc Điều 43 dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đưa ra những quy định cụ thể về trách nhiệm của công an cấp xã trong điều tra như lấy lời khai, khám người… “Chứng cứ do lực lượng này thu thập có giá trị pháp lý hay không? Hoạt động điều tra phải do những người có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, kiến thức điều tra tiến hành, trong khi công an xã, phường không có những điều này” - ông Lý băn khoăn.

Cùng quan điểm, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nhận xét dự luật này quy định về tổ chức của cơ quan điều tra và hoạt động điều tra. Trong khi đó, hoạt động của công an cấp xã thuộc về tiền tố tụng chứ không phải là hoạt động tố tụng.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói cơ quan soạn thảo cần xem xét là nếu công an cấp xã không phù hợp để trong dự luật này thì phải thiết kế vào dự luật khác. Ông Lưu cũng đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu về việc có nên nâng Pháp lệnh Công an xã lên thành luật hay không.

lê quý vương

Ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương về việc giao thẩm quyền điều tra ban đầu cho cơ quan kiểm ngư được nhiều đại biểu đồng tình. Ảnh: T.PHÚ

Giúp kiểm ngư thực hiện tốt nhiệm vụ

Một vấn đề khác là giao thẩm quyền điều tra cho một số cơ quan như kiểm ngư, thuế, chứng khoán nhà nước.

“Hiện tình hình vi phạm lĩnh vực thủy hải sản trên biển ngày càng gia tăng. Thực tế cho thấy cơ quan kiểm ngư bắt giữ một số tàu cá xâm phạm vào vùng biển nước ta. Nếu không trao cho cơ quan kiểm ngư quyền điều tra ban đầu thì rất khó khăn để họ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trên biển của mình” - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương (đại diện cơ quan soạn thảo dự luật) nói.

Theo ông Vương, lực lượng kiểm ngư chủ yếu hoạt động theo đơn vị hành chính, có nhiệm vụ kiểm tra ngư trường, kiểm tra việc đánh bắt nguồn lợi thủy sản... “BLHS quy định một tội rất rõ ràng là hủy hoại nguồn lợi thủy sản, đây là vấn đề rất lớn hiện nay. Ngoài ra còn các vấn đề về môi trường, về chất thải nguy hiểm, về bảo vệ động thực vật quý hiếm trên biển…” - ông Vương nói. Hoạt động của lực lượng kiểm ngư khá đặc thù, có khi phải lênh đênh trên biển nhiều ngày mới quay về bờ. Do đó, việc giao thẩm quyền điều tra ban đầu cho kiểm ngư là phù hợp. Trong vòng bảy ngày, kiểm ngư phải có kết luận ban đầu, sau đó bàn giao vụ án cho các cơ quan có thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng tình với việc bổ sung thẩm quyền điều tra cho cơ quan kiểm ngư: “Ý kiến của anh Vương rất thuyết phục. Vấn đề này cần xem xét làm ngay”. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị cần tính toán việc giao thẩm quyền đến đâu để không biến cơ quan kiểm ngư thành cơ quan điều tra chuyên trách.

Ngoài kiểm ngư, các đại biểu còn đề nghị nên xem xét bổ sung thẩm quyền điều tra cho Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao vì loại tội phạm này đang ngày càng diễn biến phức tạp. Riêng cơ quan thuế và chứng khoán nhà nước, các đại biểu cho rằng không nên giao thẩm quyền điều tra vì sẽ phát sinh quá nhiều đầu mối điều tra, dễ dẫn đến chồng chéo, lạm quyền…

“Chỉ cùm chân với đối tượng nguy hiểm”

Cho ý kiến về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, ông Phan Trung Lý đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến vấn đề cùm chân đối với người bị tạm giữ, tạm giam vì có thể dẫn đến việc vi phạm quyền con người. Theo ông Lý, người bị tạm giữ, tạm giam chưa phải là người có tội, chưa bị tòa kết án nên ngoài một số quyền bị hạn chế, họ vẫn có các quyền khác như công dân bình thường.

Giải trình về nội dung này, ông Lê Quý Vương cho biết việc cùm chân không ảnh hưởng lắm vì đã tham khảo quy định của nhiều nước, trong đó Singapore còn nghiêm khắc hơn, thực hiện cả việc đánh roi đối với người vi phạm pháp luật. “Ngoài ra, việc cùm chân chỉ áp dụng với đối tượng hết sức nguy hiểm để tránh họ chống trả, có ý định tự sát” - ông Vương nói.

Trọng Phú

Theo Pháp luật TP.HCM

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,191

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079