87,65% đại biểu biểu quyết thông qua Luật Phí và lệ phí

27/11/2015 13:36 PM

Chiều ngày 25/11, Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Phí và lệ phí với 6 chương, 25 điều và 2 phụ lục kèm theo.

Theo đó,  87,65% đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Phí và lệ phí với hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Trước đó, trong bài trình bày về báo cáo tiếp thu và giải trình về luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến nhất trí với Danh mục phí, lệ phí kèm theo Dự thảo luật.

Mặc dù có ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc chuyển mạnh phí, lệ phí sang cơ chế giá, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, để khuyến khích xã hội hóa thì cần thiết phải chuyển một số loại dịch vụ công sang cơ chế giá mà khu vực tư nhân có thể tham gia nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân.

Việc chuyển một số loại phí sang cơ chế giá đã được cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, chỉ chuyển sang cơ chế giá đối với một số khoản phí mà Nhà nước không cần phải nắm giữ và có sự cạnh tranh nhằm góp phần giảm giá và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân.

Riêng đối với các dịch vụ gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước vẫn được quy định trong Danh mục phí, lệ phí do Nhà nước cung cấp, mang tính chất phục vụ người dân; một số khoản phí chuyển sang cơ chế giá nhưng để bảo đảm phù hợp với thu nhập của người dân sẽ do Nhà nước định giá hoặc dùng chính sách an sinh, bảo hiểm để hỗ trợ.

Còn trước một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Những trường hợp cá biệt cho phép việc thu phí sử dụng lòng đường, hè phố phải do HĐND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch và công khai sử dụng.

UBTVQH cho biết, thực tế hiện nay, việc quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố ở một số đô thị còn chưa tốt, dẫn đến ách tắc giao thông, mất trật tự an toàn xã hội, nhất là việc quản lý các hộ, cá nhân kinh doanh tại lòng đường, hè phố.

Tuy nhiên, việc sử dụng lòng đường, hè phố là nhu cầu thực tế, cần thiết ở tất cả các đô thị, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới và là nguồn thu NSNN khá lớn của nhiều đô thị.

Mặt khác, việc quy định thu phí đối với lòng đường, hè phố cũng là một công cụ góp phần quản lý đô thị, nếu không thu phí lòng đường hè phố sẽ thất thoát nguồn thu của NSNN. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo luật.

Trước khi thông qua tất cả nội dung của Luật Phí và lệ phí, Quốc hội đã cho biểu quyết về Điều 4 về Danh mục và thẩm quyền quy định phí và lệ phí, và đã có 86,84% (429 ĐB biểu quyết /436 ĐB có mặt) ĐB biểu quyết tán thành.

Nằm trong nội dung biểu quyết thông qua Luật phí và lệ phí, đã có 85,63%  (423 ĐB biểu quyết /428 ĐB có mặt) biểu quyết thông qua Điều 10 về miễn, giảm phí lệ phí./.

Đức Minh

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,800

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079