Việc phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế xe cá nhân
Hôm nay (20/4), tại TP.HCM diễn ra hội thảo về kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM - thực trạng và giải pháp (Liên hiệp các Hội KH&KT TP phối hợp với Sở GTVT TP HCM tổ chức). Hội thảo sẽ có nhiều ý kiến của các chuyên gia uy tín về việc TP HCM cần có lộ trình hạn chế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn xe máy tham gia giao thông đô thị.
Xe máy, thủ phạm kẹt xe và TNGT
Theo PGS.TS. Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TP.HCM), hiện TP.HCM có khoảng 7,5 triệu xe gắn máy, tăng gần 2 triệu so năm 2011. Vào giờ cao điểm, lượng xe gắn máy lên tới 11.000 xe/giờ, chiếm 93% tổng lưu lượng các loại xe. Trung bình TP có 910 xe máy/1.000 dân, đây là tỷ lệ cao nhất thế giới. Xe máy đang gây ra kẹt xe, TNGT (số vụ TNGT do xe máy chiếm 71%). Do vậy, xe máy không được xem là loại hình giao thông cá nhân mà cần phải hạn chế xuống dưới 40%.
“Tuy nhiên, chúng ta không thể hạn chế xe máy nếu người dân không có phương tiện thay thế và không gì khác phải là hệ thống giao thông công cộng. Bởi vậy, việc phát triển giao thông công cộng (GTCC) phải đi trước một bước và có cách hợp lý”, PGS. Mai nói và chỉ ra nhiều giải pháp hạn chế xe máy như: Tổ chức quản lý các loại xe máy đăng ký mới thông qua giấy chứng nhận quyền mua xe, phí lưu hành xe, phí kẹt xe tùy thuộc vào phạm vi khu vực, càng vào trung tâm TP, xe máy càng phải đóng tiền giữ xe cao, phí ô nhiễm môi trường…
“Trong điều kiện tài chính yếu như Việt Nam, giải pháp xe buýt và xe buýt nhanh BRT là phù hợp nhất”, PGS. Mai nói thêm.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường ĐH GTVT - Phân hiệu TP.HCM 2 nhận định, TP đang có những định hướng sai trong việc quản lý chỗ đậu xe. TP đang tập trung tăng cung bãi đậu xe, trong khi trên thế giới để kiểm soát xe cá nhân đã áp dụng quy định về số chỗ đỗ xe tối đa được phép cung cấp. Tăng cung tất yếu sẽ dẫn đến tăng cầu, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện cá nhân khi điều kiện đậu xe quá thuận lợi. TP có xu hướng coi đậu xe như một dịch vụ xã hội, cho người sử dụng miễn phí, giá thấp.
“Đây là quan điểm đi ngược lại mục tiêu khuyến khích phát triển giao thông công cộng. Đã đến lúc phải xác định lại đối tượng phục vụ của hệ thống giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân không phải để lưu thông phương tiện giao thông. Cần chuyển từ tăng cung hạ tầng giao thông sang quản lý nhu cầu đi lại của người dân”, TS. Hằng nói.
Cần có lộ trình hạn chế xe máy
Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, phát triển vận tải công cộng phải đi trước một bước rồi mới hạn chế xe cá nhân. Kinh nghiệm ở Quảng Châu, Trung Quốc cho thấy, họ có cả một hệ thống công cộng đầy đủ như metro, BRT, xe buýt nhưng xe máy cũng chỉ dưới 1 triệu và họ vẫn quyết tâm thực hiện từng bước: Từ hạn chế đến cấm và cuối cùng là tiêu hủy cả những xe 2 bánh không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, theo một lộ trình dài 16 năm.
Để hạn chế xe cá nhân, theo ông Tính cần áp dụng các xe biển số chẵn lẻ lưu thông ngày chẵn, lẻ và ngược lại. Thu phí cá nhân vào các điểm kẹt xe, thu phí cao chỗ đỗ xe dành cho xe cá nhân trong khu vực trung tâm, phí môi trường… Những xe máy đã quá niên hạn sử dụng, cũ nát cần thu hồi và loại bỏ.
Cùng quan điểm, TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần hạn chế và tiến tới loại bỏ xe máy, nhanh chóng lấy xe buýt thay xe máy trên toàn thành phố; Từng bước lấy mạng lưới giao thông công cộng cao tốc thay xe buýt trên một số tuyến trục theo khả năng tài chính. Không ít thành phố ở Trung Quốc đã cấm xe máy khi còn chưa có mạng lưới giao thông này, hay nhiều TP ở châu Âu cũng không có xe máy.
Theo TS. Nam, đối với xe máy cần có lộ trình hạn chế và tiến tới loại bỏ hoàn toàn ra khỏi giao thông đô thị. Trên cơ sở đó xây dựng đề án chi tiết và lấy ý kiến người dân trước khi phê duyệt. Nếu lấy xe buýt là phương tiện giao thông công cộng chủ lực, thì lộ trình loại bỏ xe gắn máy tối đa là 15 năm. “Cần quy hoạch phát triển mạng xe buýt của TP.HCM cho 20-30 năm tới.Một mạng lưới xe buýt hiệu quả cần cho phép người dân có khoảng cách đi bộ phổ biến giữa nhà và điểm đỗ buýt, giữa điểm đỗ buýt và nơi cần đến dưới 1km”, TS. Nam nói.
Đối với người dân sống trong ngõ hẻm, theo TS. Lương Hoài Nam, có thể khai thác loại xe buýt nhỏ (minibus), tuk-tuk… Các trạm trung chuyển nên xây ở các vị trí cạnh bến MRT trong tương lai. Đối với TP.HCM không nên phát triển mô hình BRT cửa trái, chạy làn đường ngoài cùng như Hà Nội đã triển khai mà nên lấy làn đường trong cùng sát vỉa hè làm làn buýt giống như các nước ở châu Âu. Ngoài ra các doanh nghiệp xe buýt cần điều hành tốt, quản lý chuyên nghiệp…
Đỗ Loan
Theo Báo Giao thông