Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông báo tăng giá
điện khoảng 5% kể từ 20/12. Điều chỉnh này tác động như thế nào tới chỉ
số giá tiêu dùng (CPI) 2011 cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát một con
số của năm sau?
Tôi rất bất ngờ trước thông tin này vì nhiều cam kết của cơ quan điều
hành đưa ra trước đó đều khẳng định việc điều chỉnh giá phải theo lộ
trình và tránh gây sốc cho nền kinh tế.
EVN thông báo tăng giá vào ngày 19/12, tức là sau thời điểm Tổng cục
Thống kê lấy số liệu tính CPI tháng 12. Như vậy lạm phát của năm 2011 sẽ
không bị ảnh hưởng nhưng chắc chắn sẽ để lại hệ quả trong giai đoạn đầu
năm 2012. Trong khi đó, những e ngại việc CPI sẽ tăng trở lại trong
tháng một tới do tác động của Tết vẫn còn đó thì việc tăng giá điện rất
có thể sẽ trở thành yếu tố châm ngòi.
Theo giải trình của Bộ Công Thương và EVN, mức tăng giá
lần này chỉ khoảng 5% nên doanh nghiệp không phải chờ ý kiến phê duyệt
của Thủ tướng. Đồng thời EVN cũng không tăng giá bán đối với hộ nghèo và
bậc thang điện sinh hoạt 0 - 100 kWh. Bà bình luận gì về điều này?
Theo tôi, với một mặt hàng quan trọng như điện thì không nên trao quyền
tự quyết cho doanh nghiệp với bất cứ tỷ lệ % nào. Lần điều chỉnh này chỉ
5% nhưng rất có thể là khởi đầu cho những lần tăng khác trong năm 2012
hay không? Rồi nếu mỗi quý EVN tăng 5% thì cộng lại, mức tăng sẽ như thế
nào?
Thêm vào đó, việc làm lần này cho thấy bằng cách này hay cách khác,
doanh nghiệp vẫn có khả năng tăng giá. Vấn đề chỉ là ít hay nhiều mà
thôi.
Tương tự với việc hỗ trợ hộ nghèo, không thể nói không tăng giá bán điện
cho họ là đời sống không bị ảnh hưởng vì các mặt hàng khác đều bị đội
lên. Do vậy, tôi cho rằng việc EVN bất ngờ tăng giá ở thời điểm này, dù
nói thế nào đi nữa, cũng là không sòng phẳng với xã hội và người tiêu
dùng.
Vậy với tư cách là một chuyên gia, bà có đề xuất giải pháp gì để việc điều chỉnh giá điện trở nên “sòng phẳng” hơn?
EVN luôn nói phải tăng giá bán điện do đang phải bán dưới giá thành, bù
lỗ nhiều cho các ngành công nghiệp. Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tài
chính - Vương Đình Huệ cũng đã nêu rất rõ các ngành phải bù lỗ nặng
nhất là thép hay xi măng… Do vậy, tôi cho rằng việc điều chỉnh giá điện
cần tính cho những ngành đó, thay vì tất cả người tiêu dùng trong xã
hội. Như vậy, tiếng là EVN đang bù lỗ, nhưng thực chất xã hội mới là
người phải gánh chịu.
Điều chỉnh giá điện đối với các đối tượng nói trên cũng buộc họ phải
tiết kiệm năng lượng, cắt giảm đầu tư, tăng hiệu quả. Ngoài ra, ngành
điện cũng phải xem lại mình. Bên cạnh câu chuyện đầu tư ngoài ngành thì
rất nhiều khoản đầu tư “đúng ngành” của EVN cũng được đánh giá là kém
hiệu quả, gây tổn thất lớn. Chính những yếu tố này đã góp phần làm đội
giá thành sản xuất điện. Và cuối cùng, chính người tiêu dùng sẽ phải
gánh chịu thông qua những lần điều chỉnh đột ngột như thế này.
Tại buổi Sơ kết mô hình Tập đoàn - Tổng công ty Nhà nước ngày 9/12, đề
xuất tăng giá điện cũng được Tổng giám đốc EVN - Phạm Lê Thanh đề xuất.
Khẳng định việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản theo hướng thị trường
là mục tiêu kiên quyết nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết đây
là việc làm phải thực hiện theo lộ trình, tránh gây sốc cho nền kinh
tế. Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, EVN có thể dần thực hiện
điều chỉnh giá bán ngang với giá thành nhưng không cho phép tăng giá
mạnh (15-20%) ngay trong tháng 12 này.
Theo VnExpress