Hiện hành, đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho họ (Điều 18 Luật Cư trú 2006 (sửa đổi, bổ sung 2013)).
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Dự thảo Luật đã chỉnh lý, lược bỏ quy định về đăng ký thường trú bằng hình thức cấp sổ hộ khẩu theo định hướng của Nghị quyết 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Theo đó, khoản 4 Điều 23 dự thảo Luật quy định: "Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời cho người đăng ký bằng văn bản và nêu rõ lý do".
Như vậy, thay vì làm thủ tục đăng ký thường trú và cấp sổ hộ khẩu, cơ quan có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú.
Về xóa đăng ký thường trú, dự thảo Luật quy định các trường hợp xóa đăng ký cụ thể bao gồm:
- Chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;
- Ra nước ngoài để định cư theo khai báo của công dân hoặc công dân có thời gian xuất cảnh ra nước ngoài từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo cho cơ quan quản lý cư trú nơi đăng ký thường trú;
- Đã có quyết định hủy đăng ký thường trú;
- Vắng mặt tại nơi đăng ký thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo cho cơ quan quản lý cư trú nơi đăng ký thường trú;
- Trường hợp được cho thôi, bị tước, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam…
Xem chi tiết nội dung tại Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Châu Thanh