Mã số thuế là gì? Cách phân loại mã số thuế mới nhất từ 2021

30/12/2020 10:40 AM

Mã số thuế là gì? Hiện nay, vẫn còn nhiều người nộp thuế chưa hiểu rõ về mã số thuế, cấu trúc và công dụng của mã số thuế. Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc cơ bản về mã số thuế.

Mã số thuế

Mã số thuế là gì? Cách phân loại mã số thuế (Ảnh minh hoạ)

1. Mã số thuế là gì?

Mã số thuế (MST) là một dãy gồm 10 hoặc 13 số được cơ quan có thẩm quyền cấp cho người thực hiện đăng ký thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc khi có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách  nhà nước.

2. Ai phải thực hiện đăng ký thuế để được cấp mã số thuế?

Các đối tượng phải thực hiện đăng ký thuế để được cấp MST gồm đối tượng thực hiện đăng ký thuế thông qua cơ chế một cửa liên thông và đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế được quy định tại Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/2/2020.

=>> Xem chi tiết: Các đối tượng phải thực hiện đăng ký thuế.

3. Cấu trúc mã số thuế và cách phân loại

3.1 Cấu trúc MST được quy định cụ thể gồm:

N1N2N3N4N5N6N7N8N9N10 - N11N12N13

Trong đó:

- Hai chữ số đầu N1N2 là số phần khoảng của MST.

- Bảy chữ số N3N4N5N6N7N8N9 được quy định theo một cấu trúc xác định, tăng dần trong khoảng từ 0000001 đến 9999999.

- Chữ số N10 là chữ số kiểm tra.

- Ba chữ số N11N12N13 là các số thứ tự từ 001 đến 999.

- Dấu gạch ngang (-) là ký tự để phân tách nhóm 10 chữ số đầu và nhóm 3 chữ số cuối.

3.2 Cách phân loại cấu trúc MST:

- MST 10 chữ số được sử dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc tổ chức không có tư cách pháp nhân nhưng trực tiếp phát sinh nghĩa vụ thuế; đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh và cá nhân khác (sau đây gọi là đơn vị độc lập).

- MST 13 chữ số và dấu gạch ngang (-) dùng để phân tách giữa 10 số đầu và 3 số cuối được sử dụng cho đơn vị phụ thuộc và các đối tượng khác.

Theo đó:

- Người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và cá nhân khác theo quy định được cấp MST 10 chữ số cho người đại diện hộ gia đình, người đại diện hộ kinh doanh, cá nhân và cấp MST 13 chữ số cho các địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

- Người nộp thuế là tổ chức kinh tế, tổ chức khác theo quy định tại Điểm a, b, c, d, n Khoản 2 Điều 4 Thông tư 105 có đầy đủ tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân nhưng trực tiếp phát sinh nghĩa vụ thuế và tự chịu trách nhiệm về toàn bộ nghĩa vụ thuế trước pháp luật được cấp MST 10 chữ số;

Các đơn vị phụ thuộc được thành lập theo quy định của pháp luật của người nộp thuế nêu trên nếu phát sinh nghĩa vụ thuế và trực tiếp khai thuế, nộp thuế được cấp MST 13 chữ số.

- Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài theo quy định đăng ký nộp thuế nhà thầu trực tiếp với cơ quan thuế thì được cấp MST 10 chữ số theo từng hợp đồng.

+ Trường hợp nhà thầu nước ngoài liên danh với các tổ chức kinh tế Việt Nam để tiến hành kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng thầu và các bên tham gia liên danh thành lập ra Ban Điều hành liên danh, Ban Điều hành liên danh thực hiện hạch toán kế toán, có tài khoản tại ngân hàng, chịu trách nhiệm phát hành hóa đơn; hoặc tổ chức kinh tế tại Việt Nam tham gia liên danh chịu trách nhiệm hạch toán chung và chia lợi nhuận cho các bên tham gia liên danh thì được cấp MST 10 chữ số để kê khai, nộp thuế cho hợp đồng thầu.

+ Trường hợp nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam đã được bên Việt Nam kê khai, khấu trừ nộp thuế thay về thuế nhà thầu thì nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài được cấp một MST 10 chữ số để kê khai tất cả các nghĩa vụ thuế khác (trừ thuế nhà thầu) tại Việt Nam và cung cấp MST cho bên Việt Nam.

- Nhà cung cấp ở nước ngoài theo quy định chưa có MST tại Việt Nam khi đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế được cấp MST 10 chữ số. Nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng MST đã được cấp để trực tiếp kê khai, nộp thuế hoặc cung cấp MST cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam được nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền hoặc cung cấp cho ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế và kê khai vào Bảng kê về khấu trừ thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài tại Việt Nam.

- Tổ chức, cá nhân khấu trừ, nộp thay theo quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 4 Thông tư 105 được cấp MST 10 chữ số (MST nộp thay) để kê khai, nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài, nhà cung cấp ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân có hợp đồng hoặc văn bản hợp tác kinh doanh. Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 4 Thông tư 105 được bên việt Nam kê khai, nộp thay thuế nhà thầu thì được cấp MST 13 số theo MST nộp thay của bên Việt Nam để thực hiện xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế nhà thầu tại Việt Nam.

- Người điều hành, công ty điều hành chung, doanh nghiệp liên doanh, tổ chức được Chính phủ Việt Nam giao nhiệm vụ tiếp nhận phân lãi dầu, khí được chia của Việt Nam thuộc các mỏ dầu khí tại vùng chồng lấn theo quy định được cấp MST 10 chữ số theo từng hợp đồng dầu khí hoặc văn bản thoả thuận hoặc giấy tờ tương đương khác.

+ Nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí được cấp MST 13 chữ số theo MST 10 số của từng hợp đồng dầu khí để thực hiện nghĩa vụ thuế riêng theo hợp đồng dầu khí (bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí).

+ Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đại diện nước chủ nhà nhận phần lãi được chia từ các hợp đồng dầu khí được cấp MST 13 chữ số theo MST 10 số của từng hợp đồng dầu khí để kê khai, nộp thuế đối với phần lãi được chia theo từng hợp đồng dầu khí.

- Tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế ủy nhiệm thu theo quy có một hoặc nhiều hợp đồng ủy nhiệm thu với một cơ quan thuế thì được cấp một MST nộp thay để nộp khoản tiền đã thu của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước.

4. Quy định về việc cấp mã số thuế

- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cấp 01 MST duy nhất để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký thuế cho đến khi chấm dứt hiệu lực MST, trong đó:

+ Người nộp thuế có chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế thì được cấp MST phụ thuộc.

+ Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì mã số ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng thời là MST.

- Cá nhân được cấp 01 MST duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó; trong đó:

Người phụ thuộc của cá nhân được cấp MST để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. MST cấp cho người phụ thuộc đồng thời là MST của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

- Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay được cấp MST nộp thay để thực hiện khai thuế, nộp thuế thay cho người nộp thuế.

- MST đã cấp không được sử dụng lại để cấp cho người nộp thuế khác.

- MST của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác sau khi chuyển đổi loại hình, bán, tặng, cho, thừa kế được giữ nguyên.

- MST cấp cho hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là MST cấp cho cá nhân người đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Căn cứ pháp lý:

- Điều 30 Luật Quản lý thuế 2019.

- Điều 4, Điều 5 Thông tư 105/2020/TT-BTC.

Thùy Liên

Chia sẻ bài viết lên facebook 89,160

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079