Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Tổng cục cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết, ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt để điều tra về hành vi "cố ý làm trái" liên quan đến các hoạt động kinh tế. "Dù là ai, vi phạm pháp luật cũng đều phải bị xử nghiêm", nguồn tin nói.
Việc khám xét nhà riêng của ông Kiên tại quận Tây Hồ đã diễn ra tối 20/8. Công an đã thu giữ một số tài liệu phục vụ quá trình điều tra. Sáng 21/8, căn biệt thự 3 tầng bề thế, rộng vài trăm mét vuông của ông Kiên nhìn ra hồ Tây đóng kín cửa. Bên ngoài cánh cổng sắt cao hơn 3m có 4-5 người mặc đồng phục bảo vệ canh gác, ngăn cản người tới gần.
Sáng 21/8, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Nguyễn Thanh Toại cho biết, Tổng giám đốc Lý Xuân Hải đã được cơ quan điều tra mời lên làm việc liên quan đến vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt.
Theo ông Toại, việc ông Kiên bị bắt không ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng Á Châu bởi "ông Kiên hiện không còn vai trò gì trong ngân hàng mà chỉ là cổ đông nhỏ".
Ngay sau khi có tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, sáng nay, trên sàn chứng khoán, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng đã lao dốc.
Ông Kiên (sinh năm 1964) từng học Đại học Kỹ thuật quân sự - Bộ Quốc phòng, sau đó tu nghiệp Trường kỹ thuật quân sự Zalkamatê, Hunggary. Sau 8 năm làm việc trong ngành dệt may, ông bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng và trở thành Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB - một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam - khi mới 30 tuổi.
Năm 2010, trong bản danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam, với số cổ phiếu ACB có trong tay, tài sản của ông Kiên được đánh giá là 805 tỷ đồng. Tổng số cổ phiếu ACB mà gia đình ông Kiên nắm giữ tính tới cuối 2010 đạt giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo cáo bạch 2010 của Ngân hàng ACB, ông Nguyễn Đức Kiên không còn có tên trong Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, ông được cho là “cổ đông chính” của nhiều ngân hàng lớn.
Trong lĩnh vực thể thao, ông Nguyễn Đức Kiên là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, và thường được gọi là "bầu Kiên".
Hà Anh - Lệ Chi