Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 16-20/8

21/08/2021 09:00 AM

Xuất hơn 134.000 tấn gạo cho 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine Pfizer; các địa phương chủ động quyết định tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16; Thủ tướng yêu cầu 10 Bộ rà soát pháp luật tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 16-20/8/2021.

Xuất hơn 134.000 tấn gạo cho 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Xuất hơn 134.000 tấn gạo cho 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19

Tại Quyết định 1409/QĐ-TTg ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.117,8 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Bình Phước, Bạc Liêu, Sóc Trăng để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 năm 2021.

Tiếp theo, tại Quyết định 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 130.175,67 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 năm 2021, cụ thể: Tỉnh Đắk Lắk 534,390 tấn gạo; tỉnh Đắk Nông 577,110 tấn gạo; tỉnh Đồng Tháp 5.883,465 tấn gạo; tỉnh Tây Ninh 336,255 tấn gạo; tỉnh Cà Mau 2.862,330 tấn gạo; tỉnh Vĩnh Long 2.103,195 tấn gạo; tỉnh Long An 807 tấn gạo; tỉnh Kiên Giang 2.278,170 tấn gạo; tỉnh Trà Vinh 1.738,950 tấn gạo; tỉnh Khánh Hòa 2.000,010 tấn gạo; tỉnh Bình Dương 11.325 tấn gạo; tỉnh Bến Tre 2.408,265 tấn gạo; tỉnh Bình Định 1.000,500 tấn gạo; tỉnh An Giang 3.362,280 tấn gạo; tỉnh Nghệ An 341,100 tấn gạo; tỉnh Tiền Giang 3.006,225 tấn gạo; tỉnh Đồng Nai 3.128,505 tấn gạo; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2.283,495 tấn gạo; tỉnh Phú Yên 1.852,665 tấn gạo; TP. Đà Nẵng 1.630,635 tấn gạo; TP. Cần Thơ 5.015,490 tấn gạo; tỉnh Bình Thuận 4.018,485 tấn gạo; tỉnh Ninh Thuận 577,200 tấn gạo; TPHCM 71.104,950 tấn gạo.

Mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine Pfizer

Theo Nghị quyết số 90/NQ-CP, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua bổ sung 19.998.810 liều vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer.

Các địa phương chủ động quyết định tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16

Công điện 1081/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: UBND các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chị thị số 16/CT-TTg căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động quyết định việc tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị số 16 trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố.

Tiếp tục tranh thủ thời gian, tập trung cao độ chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương nhất việc xét nghiệm, bóc tách hết F0 (riêng đối với một số khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện theo chỉ đạo của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ). Nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Không để người dân tự ý rời tỉnh, thành phố nơi đang thực hiện giãn cách về quê. Trường hợp cá biệt có người tự ý về quê, đã qua địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh phải thống nhất việc tiếp nhận, quản lý bảo đảm an toàn. Nếu chưa đưa đón về quê được thì giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo tiếp nhận đưa vào các cơ sở cách ly do quân đội quản lý.

Thống nhất với các địa phương liên quan tổ chức đưa đón người dân cần thiết phải về quê thật an toàn, chu đáo. Đặc biệt lưu ý ưu tiên đưa đón phụ nữ mang thai gần kỳ sinh nở, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức sản xuất bảo đảm an toàn.

Mục tiêu ưu tiên cao nhất là nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19

Nghị quyết phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình KTXH tháng 7 và 7 tháng năm 2021 nêu rõ, hưởng ứng mạnh mẽ Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ với mục tiêu ưu tiên cao nhất là nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19 tại những địa phương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống cho người dân. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh; đồng thời tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân.

Rà soát, chấn chỉnh ngay công tác tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc 5 cơ sở y tế tại tỉnh Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu dẫn đến một người dân tử vong, trường hợp có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Khẩn trương rà soát, chấn chỉnh ngay công tác tiếp nhận và cấp cứu đối với bệnh nhân; các trường hợp cấp cứu phải được tiếp nhận và xử lý kịp thời theo đúng quy định; đồng thời có các giải pháp cụ thể không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc và phải đáp ứng các nhu cầu chăm sóc y tế, khám chữa bệnh của người dân.

Khẩn trương rà soát các quy định phòng chống dịch COVID-19 đối với hệ thống cung ứng, phân phối

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bảo đảm an toàn trong từng khâu của toàn bộ hệ thống cung ứng, phân phối, đặc biệt các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa lưu chuyển liên tỉnh.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công

Tại Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền.

Thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan, địa phương do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các cấp đứng đầu để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án có vốn lớn; phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp phụ trách từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân.

Thủ tướng yêu cầu 10 Bộ rà soát pháp luật tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh

Theo Công điện số 1079/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gửi 10 Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho công tác rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.

Trong đó, tập trung cao nhất, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: Đầu tư, quy hoạch, quản lý tài sản công, ngân sách Nhà nước, thuế, phí, xây dựng... quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 Bộ. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, bổ sung trong Đề nghị xây dựng luật sửa đổi các luật trước ngày 22/8/2021, Bộ Tư pháp trình Chính phủ trước ngày 30/8/2021 để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021) cho ý kiến về dự án Luật này.

Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm chế biến thủy sản

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 nhằm phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Đề án phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40% (trong đó, tôm đạt 60%, cá tra đạt 10%, cá ngừ đạt 70%, mực và bạch tuộc đạt 30%, thủy sản khác đạt 30%).

Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên. Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới.

Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000-45.000 tỷ đồng. Góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14-6 tỷ USD.

Chí Kiên

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,697

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079