Không hợp lý
"Đứng ở góc độ là người nghiên cứu và áp dụng pháp luật, chúng tôi cho rằng có một số vấn đề bất cập trong việc quy định nhà hàng chỉ tổ chức tiệc cưới khi có giấy đăng ký kết hôn”, Luật sư Phạm Đình Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM, nói.
Theo Luật sư Hưng, tiêu chuẩn nhà hàng tiệc cưới văn hoá không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nên không mang tính bắt buộc, tính quyền lực Nhà nước nên khó có hiệu lực thi hành. Nếu các nhà hàng không thực hiện tiêu chuẩn này thì hậu quả pháp lý là gì? Ai có quyền kiểm tra và căn cứ pháp lý kiểm tra dựa theo quy định pháp luật nào?
“Theo Luật Hôn nhân gia đình hiện hành, đám cưới, tiệc cưới chỉ là những nghi thức truyền thống, hoàn toàn không có giá trị pháp lý, chứng minh về việc một người đã kết hôn. Luật quy định, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Như vậy, việc suy diễn đám cưới giả dẫn đến kết hôn giả là không thuyết phục”, Luật sư Hưng phân tích.
Việc ngăn chặn nạn kết hôn giả, vì vậy theo Luật sư Hưng phải tăng cường tập trung tại các cơ quan chức năng của nhà nước như UBND phường, xã hay Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố, chứ không phải tập trung vào các nhà hàng. Bởi bản thân các nhà hàng không phải là cơ quan quản lý nhà nước, nên khó có thể yêu cầu mang tính bắt buộc đối với người liên hệ đến tổ chức tiệc cưới phải xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Chưa kể việc yêu cầu đó đối với nền kinh tế thị trường đã vi phạm một nguyên tắc hết sức căn bản “khách hàng là thượng đế”. Không một nhà hàng nào muốn từ chối khách hàng, cũng như muốn từ chối bán hoặc cung cấp các dịch vụ tiệc cưới “hoành tráng”!
“Ý tưởng” quy định cô dâu, chú rể phải xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn khi đặt tiệc cưới ở nhà hàng, khách sạn bị phản ứng vì bất hợp lý, không hợp pháp (Ảnh minh họa)
Cùng quan điểm trên, Luật sư Duơng Văn Mai nhấn mạnh, các khách sạn, nhà hàng có dịch vụ tố chức tiệc cưới… là các đơn vị cung cấp dịch vụ, tổ chức sự kiện, tự thân các cơ sở này không phải là cơ quan hành chính để yêu cầu cô dâu và chú rể phải xuất trình Giấy đăng ký kết hôn mới cung cấp dịch vụ cho họ. Điều này không chỉ khiến khách hàng cảm thấy họ đang bị kiểm tra hành chính mà nó còn ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ của các nhà hàng, khách sạn. “Nếu Sở VH-TT&DL TP.HCM quy định “Nhà hàng chỉ tổ chức tiệc cưới khi có giấy đăng ký kết hôn” sẽ là không hợp lý đối với nam, nữ muốn tổ chức tiệc cưới tại nhà hàng, khách sạn”, Luật sư Mai khẳng định.
Không hợp pháp
Luật sư Duơng Văn Mai (CTV Thư viện pháp luật – Công ty Lawsoft) cho rằng quy định này (nếu được thực hiện) sẽ vi phạm các quy định về việc quản lý hoạt động kinh doanh, nhà hàng khách sạn trong việc cung cấp dịch vụ tố chức tiệc cưới. “Chúng ta đều biết, khi cung cấp dịch vụ trên các cơ sở kinh doanh phải đăng ký với cơ quan quản lý, nếu quy định như vậy sẽ vi phạm quyền kinh doanh của các nhà hàng khách sạn và người kinh doanh dịch vụ này nói chung, được quy định tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các văn bản liên quan”, Luật sư Mai phân tích.
Theo quy định của Bộ luật dân sự, người thành niên - người đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hành vi mình thực hiện, việc họ có thiệt hại hay không, khi tổ chức đám cưới mà chưa có Giấy đăng ký kết hôn (có thể là kết hôn giả), họ phải là người biết rõ nhất và họ phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. “Quan hệ hôn nhân chỉ được pháp luật công nhận khi đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền là UBND xã, phường hoặc Sở Tư pháp tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đối với trường hợp kết hôn với người nước ngoài. Trường hợp họ không đăng ký kết hôn nhưng vẫn chung sống với nhau như vợ chồng sẽ chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ như trên Giấy khai sinh của con cái sẽ không thể ghi tên người cha (cha đẻ) hoặc khi ly hôn, quyền lợi của hai người sẽ không được bảo vệ”, Luật sư Mai chia sẻ.
Do vậy, theo Luật sư Mai, với những phân tích nêu trên, nếu Sở VH-TT&DL TP.HCM áp dụng quy định “Nhà hàng chỉ tổ chức tiệc cưới khi có giấy đăng ký kết hôn” sẽ là không hợp pháp.
Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng Nhân dân TP.HCM cho rằng quy định tiệc cưới phải có giấy đăng ký kết hôn chỉ là gợi ý cho các đơn vị tổ chức tiệc cưới sao cho thật sự văn hóa. Không chỉ giấy đăng ký kết hôn mà trong các tiệc cưới ngày nay, có nhiều việc bị hiểu sai, không đúng văn hóa, phung phí. Chẳng hạn việc nâng rượu giao bôi, đây là chuyện trong buồng mà lại đưa ra chỗ đông người. Tiệc cưới là buổi công bố với mọi người về hôn sự của mình thì cũng cần được pháp luật công nhận qua đăng ký kết hôn. Về nguyên tắc, làm đám cưới phải có giấy kết hôn. Theo ông Hùng, làm đám cưới thường có kế hoạch từ trước, không thể nói không kịp đi đăng ký kết hôn, chỉ khi làm đám cưới vì mục đích khác. Ví dụ, đám cưới giả, ngoài gia đình thì chính quyền địa phương cũng phải gánh hậu quả. Thời gian qua lỏng lẻo quá nên để xảy ra nhiều chuyện không hay, giờ cần chấn chỉnh lại.
Còn bà Nguyễn Thanh Thúy, thành viên ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP.HCM thì cho rằng: “Cưới là việc quan trọng của đời người. Trước khi kết hôn, hai người đã có sự chuẩn bị kỹ càng, mà việc đăng ký kết hôn đâu phải quá khó đâu. Có những cặp đôi vì tâm linh, vì hoàn cảnh riêng mà phải tổ chức tiệc cưới trước, đăng ký kết hôn sau nhưng trường hợp này không phải phổ biến. Đám cưới là công bố chính thức đã trở thành vợ chồng, thì việc đăng ký kết hôn phải cần thiết để được pháp luật bảo vệ. Cho nên tiệc cưới có giấy đăng ký kết hôn là điều hợp lý. Tuy nhiên việc này cần phải có lộ trình, phải thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân nắm rõ trước khi đưa vào áp dụng”. |