Vì nếu đặt ra để giải quyết mà giải quyết không tốt thì càng phức tạp hơn”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói như vậy tại phiên thảo luận sáng 23-8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xung quanh vấn đề “khiếu nại đông người”.
Không thể chỉ hứa khi tiếp dân
Dự thảo Luật khiếu nại đưa ra khái niệm “khiếu nại đông người” và quy định giao cho Chính phủ ban hành văn bản về trình tự thủ tục giải quyết. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lên tiếng: “Nên cân nhắc lại quy định giao cho Chính phủ ban hành văn bản về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại đông người. Tôi đề nghị Luật khiếu nại cần có một chương riêng.
Tại sao vấn đề khó chúng ta lại đẩy cho Chính phủ, sau đó thực hiện không tốt thì Quốc hội lại phê bình Chính phủ. Luật là để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Tại sao chúng ta lại lảng tránh vấn đề phức tạp nhất? Tôi nghĩ phải quy định thật rõ ràng thế nào là khiếu nại đông người, thế nào là việc lợi dụng vào chuyện đó để gây rối trật tự, để làm những việc khác”.
Từng là bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Đúng là vấn đề rất khó. Nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là cuộc sống có những biểu hiện như thế, tồn tại như thế. Vì vậy cần nghiên cứu, đối diện để giải quyết. Tôi đề nghị quy định thật rõ ràng việc tiếp công dân, ở đó nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu, tiếp là phải giải quyết chứ không phải tiếp dân chỉ để hứa, không phải tiếp dân là nhận đơn rồi chuyển”.
Cũng từng là bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương nêu thực tế: “Quy định là lãnh đạo tiếp dân một ngày trong tháng, nhưng nhiều nơi lãnh đạo bận nên chỉ đến dự khai mạc rồi đi làm việc khác.
Hơn nữa, ở cấp tỉnh quy định văn phòng UBND tiếp dân, nhưng người dân đến đây phần lớn là khiếu nại quyết định của người đứng đầu, của lãnh đạo tỉnh đó, vậy thì gặp văn phòng giải quyết được gì? Thế nên đơn từ cứ chạy lòng vòng. Tôi ủng hộ ý kiến của anh Phước và anh Phúc là phải quy định thật rõ ràng để giải quyết triệt để, chứ luật không nên quy định hời hợt”.
“Vậy là đã rõ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí phải đưa vấn đề này vào luật” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
“E rằng chưa chín”
Theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, vấn đề khiếu kiện đông người pháp luật hiện hành không quy định nhưng các cấp hành chính vẫn đang giải quyết. Thống kê cho thấy trong năm năm qua có 3.829 lượt đoàn khiếu nại đông người (năm người trở lên), đã giải quyết được 87% số vụ việc.
Chính phủ và các cấp, các ngành giải quyết bằng các biện pháp tuyên truyền, giải thích cho dân; lập đoàn thanh tra xem xét, kết luận vụ việc; điều chỉnh hoặc ban hành chính sách hỗ trợ... “Hiện nay nhiều đoàn khiếu nại về chính sách, nhưng quy định là không được khiếu nại văn bản pháp quy, chẳng hạn như giá đất do HĐND ban hành. Vì vậy lại phải giải quyết bằng biện pháp như hỗ trợ nhà cửa, đất đai, giá cả... Có nghĩa là phải giải quyết bằng rất nhiều biện pháp khác, chứ không thể giải quyết được bằng các quy định cứng của pháp luật” - ông Hào giải thích.
Ông Hào thừa nhận nếu không quy định rõ trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện đông người thì rất khó khăn cho những người làm công việc này và khó khăn cho người dân. “Nhưng nếu đưa ngay vào luật thì sợ rằng chưa chín, đưa vào thực tiễn chưa đáp ứng được. Vì vậy dự thảo quy định để Chính phủ có văn bản quy định dưới luật, để quá trình thực hiện thì có cơ sở để kiểm nghiệm, đánh giá. Sau ba, bốn năm sẽ điều chỉnh” - ông Hào nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ủy ban Pháp luật phối hợp với Thanh tra Chính phủ bàn bạc, làm rõ và kiến nghị cụ thể về quy định “khiếu kiện đông người” trong dự thảo luật. “Anh Hào nói 87%, nghĩa là hơn 2/3 số vụ đã được giải quyết. Như vậy là đã đủ thực tế để quy định trong luật tương đối rõ về trình tự, thủ tục, nguyên tắc rồi” - ông Hùng nói thêm.
Được tố cáo qua điện thoại, email Dự án Luật tố cáo được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội với quy định mới là chấp nhận tố cáo của công dân qua thư điện tử, fax và lời qua điện thoại. Ủy ban Pháp luật cho rằng “đây chỉ là các hình thức khác nhau để chuyển tải nội dung thông tin tố cáo đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Việc mở rộng các hình thức tố cáo là phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền tố cáo”. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định trên vì sẽ rất mất thời gian và khó thẩm định tính xác thực danh tính người đứng tên tố cáo. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với nguyên tắc trong dự luật là không chấp nhận, không giải quyết đơn tố cáo nặc danh nhưng đề nghị người lãnh đạo phải coi đó là một nguồn thông tin để chỉ đạo rà soát, xem xét, kiểm tra và nếu có cơ sở thì xử lý bằng các công cụ, biện pháp khác. “Tôi bao giờ cũng đọc rất kỹ đơn thư nặc danh” - bà Ngân cho hay. |
LÊ KIÊN