Hành vi uống rượu, bán rượu sẽ bị xử phạt nhưng thực tế “uống bia”, “bán bia” thì lại không dù rằng uống bia vẫn có thể say - Ảnh minh họa
"Tăng phạt là cần nhưng khó thực thi"
Bà Bùi Thị Huyền Nga (Công ty Dolphin Media, TP. Hồ Chí Minh) có sở thích hát karaoke và thường hay đi hát cùng bạn bè, đồng nghiệp. Bà Nga cho rằng việc hát karaoke là một hình thức giải trí về cơ bản là lành mạnh, tuy nhiên, do ý thức một số người đã khiến nó trở nên biến tướng.
Theo bà Nga, người uống rượu khi mất kiểm soát có thể gây ra những hậu quả khó lường như bạo lực, mất an toàn giao thông... Thực tế, trên báo chí đã đăng tải nhiều vụ án liên quan đến những xô xát xảy ra trong quán karaoke là do các đối tượng say rượu gây ra. Do vậy, tăng mức phạt đối với hành vi uống và bán rượu trong phòng karaoke cũng sẽ góp phần hạn chế vấn nạn trên.
Tuy nhiên bà Nga cũng băn khoăn “việc xử phạt sẽ thực hiện ra sao vì rất khó để kiểm tra, kiểm soát việc uống rượu trong quán karaoke”.
“Làm sao để phân biệt những người uống rượu tại quán karaoke và những người đã uống trước đó rồi mới đi hát? Tôi nghĩ phân biệt các đối tượng để xử phạt đã rất khó”, anh Nguyễn Thanh Tùng (Đại học Công nghiệp Hà Nội) băn khoăn.
Bà Nguyễn Phương Thảo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) băn khoăn về quy định số lượng tiếp viên tại phòng karaoke. “Thực tế cho thấy các điểm karaoke có sử dụng tiếp viên nam thì hầu như không có việc nhiều tiếp viên cùng phục vụ trong một phòng. Thế nhưng các điểm karaoke sử dụng tiếp viên nữ và cho nhiều tiếp nữ phục vụ tại một phòng karaoke lại thường xảy ra tệ nạn”, bà Thảo nói.
Với mức xử phạt Dự thảo quy định, theo ý kiến bà Thảo cũng là góp phần ngăn chặn tiêu cực trên. “Nhưng làm thế nào để cơ quan chức năng xử phạt đúng thời điểm vi phạm? Bởi không phải lúc nào số lượng tiếp viên cũng thường trực và cố định trong phòng”, bà Thảo nêu thắc mắc.
Bà Nguyễn Thị Nga, quản lý quán karaoke Hoàng Anh thuộc Công ty TNHH một thành viên Gia Khánh (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Cùng với quy định xử phạt thì cơ quan chức năng ở địa phương cần tăng cường công tác quản lý. Tăng phạt là cần nhưng khó thực thi. Quan trọng nhất vẫn là giám sát và thực thi của cơ quan chức năng. Nhưng giám sát ra sao? Thực thi như thế nào thì chắc là không dễ dàng”.
Ông Trần Thanh Trụ, chủ một cơ sở kinh doanh karaoke trên đường Nguyễn Thái Bình (TP. Hồ Chí Minh) lại chia sẻ “có một số nội dung tôi còn muốn tăng nặng thêm mức phạt, như cấm vĩnh viễn không cấp phép kinh doanh ngay tại địa chỉ đã vi phạm bất cứ hình thức kinh doanh nào dù kinh doanh hợp pháp. Có như vậy mới khống chế được những chủ nhà, chủ đầu tư vì hám lợi và lợi dụng kẻ hở của pháp luật mà cố tình vi phạm”.
Theo ý kiến của ông Trụ, để hạn chế tiêu cực, xử phạt là nên nhưng để thực sự có hiệu quả, phải có những quy định chặt chẽ hơn, đồng thời phải có biện pháp thực hiện nghiêm túc, cụ thể, nếu không quy định cũng sẽ như “ném đá ao bèo”.
Làm rõ những khoảng trống
Nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định trong Dự thảo Nghị định này khó "đi vào cuộc sống", bởi còn có những điểm chưa rõ.
Ông Trần Thanh Trụ, chủ một cơ sở kinh doanh karaoke trên đường Nguyễn Thái Bình (TP. Hồ Chí Minh) băn khoăn: “Phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi uống rượu tại phòng karaoke, ở đây là quy định chỉ phạt khách hay phạt cả chủ kinh doanh? Nếu phạt cả cơ sở kinh doanh thì liệu có công bằng không vì có trường hợp khách giấu rượu đem vào uống thì chủ cơ sở kinh doanh không kiểm soát được”.
Từ khía cạnh khác, bà Nguyễn Ngọc Anh, chủ cơ sở kinh doanh trên đường Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) cho rằng: “Phần lớn khách đến hát sau khi đã đi ăn uống ở nơi khác. Khách đi hát karaoke để giải trí, không thể biết khách đã uống say ở đâu mà quán thì lại bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng với hành vi để người say rượu, bia vào phòng karaoke là chưa hợp lý”.
Theo bà Ngọc Anh, dự thảo quy định phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng nếu sử dụng từ 2 - 3 nhân viên phục vụ trong một phòng karaoke là không phù hợp. Bởi thông thường, mỗi phòng karaoke có 8 - 10 người, nếu chỉ một nhân viên phục vụ sẽ không thể đáp ứng kịp yêu cầu của khách.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nga quản lý quán karaoke Hoàng Anh thuộc Công ty TNHH một thành viên Gia Khánh (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, phải phân biệt uống rượu có tiếp viên và uống rượu không có tiếp viên. Lại có nhiều trường hợp khách đến hát karaoke kết hợp... bàn công việc, việc uống rượu không phải là uống lấy say mà chỉ là hình thức tiếp đối tác.
Riêng quy định về xử phạt với số lượng tiếp viên trong một phòng karaoke nên siết chặt hơn, có chế tài xử phạt cao hơn và nên quy định số lượng mở, chẳng hạn dưới 10 tiếp viên trong một phòng sẽ bị phạt, chứ không nhất thiết phải chỉ ra từ 2 đến 3 tiếp viên hay từ 4 đến 5 tiếp viên thì mức phạt là bao nhiêu.
Một người dân ở tỉnh Cà Mau gửi phản ánh đến Báo điện tử Chính phủ rằng: "Cần quy định rõ thế nào là "say", quy định rõ nồng độ cồn trong trạng thái này. Bởi nhà hàng khó có thể phân biệt rõ ràng được ai là người “say” hay “tỉnh” nếu chỉ căn cứ vào cảm tính. Quy định chỉ cấm uống rượu, bán rượu trong phòng karaoke vậy nếu uống bia cũng say, bán bia khi hát karaoke thì sao?".