Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu cho rằng việc ban hành Luật Việc làm là cần thiết nhằm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020.
Đa số các đại biểu thống nhất phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam trong nước từ đủ 15 tuổi trở lên, đang có việc làm hoặc chưa có việc làm nhưng có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.
Đồng thời, các đại biểu cũng bày tỏ sự thống nhất cao với việc quy định về: Tín dụng vay vốn tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; chương trình việc làm công và hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển, với đặc điểm là đất nước thu nhập trung bình và trong thời kỳ dân số vàng, mỗi năm có hơn 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động đang cao hơn tỷ lệ phụ thuộc là những điều kiện thuận lợi của Việt Nam so với các nước. Tuy nhiên, để nâng cao tính khả thi và hiệu quả trong tổ chức thực hiện các chính sách này, cơ quan soạn thảo cần có đánh giá đầy đủ tác động kinh tế-xã hội của các chính sách này. Trên cơ sở đó, tiếp tục làm rõ điều kiện và nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm.
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Bên cạnh đó, một số vấn đề về thông tin thị trường lao động, cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức dịch vụ việc làm, vấn đề bảo hiểm thất nghiệp đã được các đại biểu tập trung cho ý kiến. Trong đó đáng chú ý là chính sách bảo hiểm thất nghiệp được đề cập trong dự thảo Luật này mới hơn so với quy định trong Luật Bảo hiểm Xã hội, cụ thể: bổ sung chế độ hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động nhằm thực hiện chính sách phòng rủi ro cho người lao động; mở rộng thêm phạm vi áp dụng cho đối tượng là người lao động không có quan hệ lao động.
Góp ý cho dự thảo, Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cần thiết nhằm đạt mục tiêu về an sinh xã hội, vì hiện cả nước có khoảng 2/3 lực lượng lao động không có quan hệ lao động. Do vậy, cần có những biện pháp để thu hút số lao động này tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển.
Tuy nhiên, Ủy ban Các vấn đề Xã hội cũng lưu ý, việc mở rộng và quản lý các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với khu vực không có quan hệ lao động là khá phức tạp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp dễ bị lạm dụng do những khó khăn trong việc xác định tình trạng thất nghiệp, công tác thu-chi, khả năng quản lý đối tượng hạn chế nên rất ít quốc gia thực hiện.
Phải bảo đảm tính khả thi khi ban hành
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, việc xây dựng Luật phải đảm bảo tính khả thi sau khi ban hành cũng như đảm bảo tính thống nhất của Luật với các luật khác. Để chuẩn bị trình và lấy ý kiến tại kỳ họp của Quốc hội vào tháng 5 tới, bà Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ hơn chính sách, nguồn gốc, điều kiện thực hiện chính sách việc làm, nhất là về vấn đề tài chính.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Vai trò an sinh xã hội trong chính sách việc làm là rất quan trọng nhằm phòng ngừa rủi ro cho người lao động. Chính sách việc làm phải hướng đến mục tiêu việc làm bền vững cho người lao động, tạo cơ hội bình đẳng về việc làm cho mọi người trong xã hội, nâng cao trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với vấn đề việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập hợp lý và chất lượng việc làm tốt hơn cho người lao động.
Linh Đan