Tuy nhiên, một lãnh đạo BV lớn ở TPHCM cho rằng: “Cải tiến khám - chữa bệnh là cần thiết, nhưng bộ phải dựa trên thực tế hợp lý chứ đừng lấy lòng của người bệnh mà áp đặt cái khó về cho các cơ sở y tế. Chính vì chạy đua theo tiêu chí trên chắc chắn sẽ có nhiều BV buộc phải rút ngắn thời gian khám bệnh thực tế và như vậy chỉ có bệnh nhân là lãnh đủ”.
Bệnh nhân chờ được khám tại BV Việt - Đức (Hà Nội) ngày 23/4.
Thiếu khả thi và...
Với câu hỏi của phóng viên đưa ra, cơ sở nào để Bộ Y tế đưa ra con số 2 - 4h, một lãnh đạo của bộ này cho rằng, Bộ Y tế dựa trên kết quả khảo sát tại một số BV. Các BV nêu ý kiến có thể đảm bảo được quy trình khám bệnh diễn ra trong thời gian 2- 4h. Tất nhiên, đây là thời gian được tính trung bình, chứ không phải nhất nhất chỉ như vậy. Vị này cũng nhấn mạnh: Bộ đưa ra khuyến cáo này cũng để các BV dần chuẩn hóa lại việc sắp xếp lại toàn bộ quy trình khám - chữa bệnh.
Thế nhưng, việc khoán mỗi bệnh nhân ở BV từ 2 - 4h có khả thi?
Còn nhớ, đầu năm 2012, khi tới thăm BV Saint Paul - một BV đa khoa hạng 1 ở Hà Nội - chính Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã được những bệnh nhân cao tuổi cho hay, họ đã đi xếp hàng từ 5 - 6h sáng mà đến 11h trưa vẫn chưa được vào khám. Trong khi đó, tình trạng quá tải ở BV Saint Paul còn được coi là chưa bằng những BV tuyến T.Ư.
Quan sát tại các BV tuyến cuối ở HN như Bạch Mai, BV Nhi, U bướu, Phụ sản TƯ, có thể thấy sau nhiều nỗ lực của cả cơ quan quản lý lẫn BV, tình trạng quá tải chưa có biểu hiện giảm đi. Điều này cũng rất dễ hiểu, bởi cơ sở hạ tầng của BV hầu như không thay đổi. Số lượng nhân viên bác sĩ và nhân viên y tế tại các BV cũng được bổ sung không nhiều.
Trong khi đó, số bệnh nhân đến khám - chữa bệnh tại các BV tăng đều đặn 7 - 10% qua các năm. Nhìn vào xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh, cũng thấy là số lượng thực hiện chỉ có tăng chứ không hề giảm. Số lượt xét nghiệm sinh hóa tăng 21,9%; xét nghiệm huyết học tăng 13%; các chẩn đoán hình ảnh tăng 17%...
Còn tại BV Chợ Rẫy, một bệnh nhân cho biết, đến khám tại BV này vào buổi sáng phải chờ bình quân từ 6-7 giờ. Mỗi ngày tại 2 BV nhi là Nhi Đồng 1, 2 của TPHCM tiếp nhận từ 7.000 – 8.000 trường hợp đến khám nên thời gian khám, chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng phải mất ít nhất từ 3-4 tiếng. Theo các BS phòng khám, BV vốn đã quá tải, chỉ riêng BV Nhi Đồng 1, đối với trẻ sử dụng thẻ BHYT, thời gian chờ đến lượt khám có khi phải mất từ 2-3 giờ mới được gặp BS. Vì thế, nếu chiếu theo quy định của Bộ Y tế thì khó có thể thực hiện được khi bệnh nhân cứ đổ dồn lên tuyến trên.
Do đó, chỉ tiêu rút ngắn thời gian khám bệnh từ 2 - 4h, việc giảm số bệnh nhân khám mỗi ngày xuống 50 người/8h vào năm 2015 và 35 bệnh nhân vào năm 2020 cũng là bất khả thi nếu không có gì đột biến về cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực.
Người dân ngồi chờ khám bệnh tại BV Chợ Rẫy (TPHCM). Ảnh: V.T
... không kham nổi!
Theo BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương (TPHCM), mặc dù BV đã áp dụng cho bệnh nhân lấy số thứ tự trước qua tổng đài 1080 hoặc số điện thoại của BV, nhưng biện pháp này vẫn chưa mấy hiệu quả. Trong khi đó, thời gian chờ lấy số thứ tự trung bình của một người bệnh đến khám tại đây mất từ 50 - 75 phút; xét nghiệm mất từ 80 - 95 phút và việc di chuyển giữa các khoa, phòng mất 55 phút.
Lãnh đạo một BV lớn tại TPHCM cho rằng: “Thông thường đi khám bệnh, người bệnh biết cần chuẩn bị giấy tờ gì bản chính và cả bản sao khi có yêu cầu thì nộp vào. Tuy nhiên, quy định mới của Bộ Y tế, BV kiêm luôn cả việc photocopy cho bệnh nhân thì chắc chắn phải tăng thêm thời gian chờ đó là chưa kể đến máy móc, nhân viên, lượng bệnh nhân như thế nào.
Theo quy trình mới, chỉ cần BV giữ thẻ BHYT và trả lại cho bệnh nhân sau khi khám xong. Bộ Y tế đã tính đến thời gian xếp hàng để lấy lại thẻ chưa thay vì trước đây, khám xong là bệnh nhân có thể về? Nhiều BV mỗi ngày khám từ 1.000 – 5.000 lượt thì số lượng thẻ giữ lại và quản lý được số thẻ này không phải là chuyện dễ.
Mặt khác, có quy định mà nhiều lãnh đạo BV lo ngại, đó là người có thẻ bảo hiểm y tế chỉ phải nộp tiền một lần khi xuất viện, bệnh nhân sẽ không phải đóng cọc một khoản tiền tạm ứng khi vào viện. Với quy định này, bệnh nhân sẽ rất dễ trốn viện, “bùng” tiền viện phí.
Theo ý kiến một số lãnh đạo BV vẫn nên cho phép BV thu một khoản tiền đặt cọc của bệnh nhân ở mức vừa phải. Vì trước đây, khi BV không thu tiền đặt cọc của bệnh nhân đã đối mặt với tình trạng thất thoát viện phí do bệnh nhân trốn viện. Về các thủ tục giấy tờ rườm rà như hiện nay, các lãnh đạo BV đều cho rằng BV luôn muốn mọi thủ tục đơn giản, nhưng cơ quan BHYT luôn bắt ép BV phải thực hiện. Việc đổi mới quy trình KCB này Bộ Y tế cũng cần đấu tranh quyết liệt hơn với cơ quan BHYT để việc cải tiến này thật sự hiệu quả.
Theo Lao động