Khuyến cáo về nguy cơ người dân có thể sử dụng phải giấy đăng ký xe giả qua việc mua bán xe trôi nổi, không rõ nguồn gốc được chỉ huy Đội Giám định tài liệu, thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) CATP Hà Nội thông tin với PV ANTĐ: Đăng ký xe máy, ô tô giả không phải là hiện tượng, thủ đoạn mới của tội phạm, nhưng trong 1 tháng vừa qua, khi các lực lượng Công an Hà Nội thực hiện Thông tư 12 của Bộ Công an, nguy cơ tội phạm sử dụng giấy tờ giả đã bộc lộ khá rõ nét.
Gần đây, Đội Giám định tài liệu nhận được đề nghị từ CQĐT công an một quận của Hà Nội, giám định khoảng 20 giấy đăng ký phương tiện có dấu hiệu nghi vấn. “Bằng mắt thường và bằng kính lúp, chúng tôi không thể xác định được giấy tờ đó là giả hay không, mà phải thông qua các thiết bị điện tử hiện đại. Tuy nhiên, sự không bình thường của những bộ đăng ký này thể hiện ở chỗ, nó không nằm hoặc không trùng khớp với hồ sơ quản lý phương tiện của cơ quan chức năng”, chỉ huy Đội Giám định tài liệu cho biết.
Vẫn theo thông tin từ Đội Giám định tài liệu, nếu như 6 tháng cuối năm 2012, đơn vị tiếp nhận chưa đến 50 yêu cầu giám định đăng ký xe máy do công an các đơn vị chuyển đến (qua giám định, cơ quan chức năng phát hiện 41 đăng ký xe máy giả - PV), thì 5 tháng đầu năm 2013, Phòng KTHS đã giám định và phát hiện 70 đăng ký xe ô tô, xe máy giả.
Thủ đoạn làm giả đăng ký của các đối tượng ngày càng tinh vi, và nhiều trường hợp, người dân do vô tình không biết, đã mua và sử dụng phương tiện với đăng ký giả, cho đến khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện.
Trong số các vụ làm giả đăng ký phương tiện bị phát hiện thời gian gần đây, táo tợn và “quy mô” nhất có lẽ là ổ nhóm đối tượng Nguyễn Văn Quang, quê quán Đại Từ, Thái Nguyên; Bùi Quốc Việt, quê Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và Nguyễn Hồng Quân, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Số đối tượng này hiện đã bị CQĐT khởi tố về hành vi trộm cắp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước.
Chúng hoạt động theo phương thức khép kín. Quang và Việt trực tiếp thực hiện các vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn Hà Nội, sau đó bán cho Nguyễn Hồng Quân, đối tượng đảm nhiệm vai trò “lo” giấy tờ giả cho phương tiện trộm cắp được. Khám xét nơi ở của Quân, cơ quan công an phát hiện, thu giữ gần 100 chiếc BKS, đăng ký, thẻ sinh viên, và cả… con dấu của UBND, dấu chức danh của Phó chủ tịch một phường tại Hà Nội. Tất cả đều là những con dấu giả.
Theo lời khai của Quân, sau khi mua lại những chiếc xe gian, Quân kết nối với các đầu mối làm giả giấy tờ đăng ký xe với giá bình quân 1 triệu đồng/đăng ký. Con dấu của UBND phường và dấu chức danh Phó Chủ tịch UBND phường, Quân khai mua của một đối tượng không quen biết với giá 1 triệu đồng, cũng để phục vụ “quy trình” làm giấy tờ giả theo đơn đặt hàng. Sau khi có được bộ giấy tờ giả, Quân lên mạng Internet rao bán phương tiện với giá rẻ hơn nhiều lần so với giá trị thực của xe.
Cũng liên quan đến vấn đề nguy cơ và phòng ngừa đăng ký phương tiện giả, trao đổi với PV ANTĐ, đại diện Phòng CSHS CATP Hà Nội khuyến cáo người dân khi mua bán ô tô, xe máy cũ cần kiểm tra kỹ nguồn gốc giấy đăng ký, tránh mua phải xe gian. Nên tiến hành thủ tục sang tên, đổi chủ phương tiện, biện pháp hữu hiệu để tránh nguy cơ “ôm” phải giấy tờ giả.
Phòng CSHS đồng thời đề nghị công an cơ sở thường xuyên tiến hành kiểm soát, tuyên truyền đối với các cơ sở kinh doanh cầm đồ, không nhận cầm cố, thế chấp hoặc mua bán các loại giấy tờ tùy thân, đăng ký xe. Bởi, đây chính là những “địa chỉ” mà tội phạm làm giấy tờ giả thường tìm đến để khai thác “nguyên liệu” phục vụ ý đồ xấu.
Theo ANTĐ