Dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung |
Theo nội dung tại Điều 11 của Dự thảo thì CBCCVC có đề xuất được phê duyệt và cán bộ, cá nhân, tổ chức triển khai thực hiện đề xuất tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực được khuyến khích bằng các hình thức sau đây:
+ Tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị và được khen thưởng vượt cấp, vượt bậc, đột xuất mà không phụ thuộc trình tự, thời gian, các tiêu chí của hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật đối với những đề xuất được thực hiện thành công; được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đánh giá xếp loại chất lượng trong năm có đề xuất và trong năm hoàn thành thực hiện đề xuất;
+ Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng;
+ Được nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng, đặc cách nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cao hơn liền kề ngạch, hạng đang giữ; thăng quân hàm, cấp bậc hàm trước thời hạn (đối với lực lượng vũ trang);
+ Được ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý hoặc vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn; được bổ nhiệm vượt cấp so với chức danh, chức vụ hiện giữ.
Cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất, tùy trường hợp cụ thể được cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp bố trí kịp thời trang thiết bị, phương tiện làm việc, nhà ở công vụ, con người, kinh phí bảo đảm thực hiện đề xuất được phê duyệt.
Như vậy: Căn cứ nội dung nêu trên thì "nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng" là một trong những hình thức khuyến khích được đề xuất áp dụng đối với CBCCVC năng động, sáng tạo.
DỰ THẢO: Xét nâng bậc lương trước hạn 12 tháng với CBCCVC năng động, sáng tạo (Hình từ internet)
(1) Cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện nhưng không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật và trách nhiệm hoàn trả ngân sách Nhà nước khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đề xuất được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Thực hiện đề xuất để giải quyết vấn đề khẩn cấp, cấp bách hoặc đề xuất đang trong quá trình thực hiện gặp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự;
- Bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất;
- Đã báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại;
- Phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện đề xuất;
- Phải chấm dứt ngay việc thực hiện đề xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền;
- Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt;
- Cán bộ thực hiện đề xuất đã qua đời.
(2) Trường hợp cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo, khi thực hiện mà kết quả không hoàn thành hoặc hoàn thành một phần mục tiêu đề ra mà không thuộc các trường hợp quy định nêu trên, được cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố xét xử; cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật và trách nhiệm hoàn trả ngân sách Nhà nước.
(3) Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, xác định các nguyên nhân khách quan, chủ quan và có kết luận đầy đủ, toàn diện, công tâm, khách quan, minh bạch trong trường hợp kết quả thực hiện đề xuất thuộc quy định nêu trên.
(4) Cán bộ, cá nhân thực hiện đề xuất được miễn xử lý trách nhiệm, được giảm trách nhiệm thuộc trường hợp xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, trách nhiệm hoàn trả ngân sách Nhà nước thì không được xem là tiêu chí trong đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng.