08 điều cần biết về bảo hiểm hưu trí theo Nghị định 46/2023

04/07/2023 09:19 AM

Cho tôi hỏi quyền lợi và các quy định cơ bản về bảo hiểm hưu trí được quy định như thế nào? - Thái Trinh (Tiền Giang)

08 điều cần biết về bảo hiểm hưu trí theo Nghị định 46/2023

08 điều cần biết về bảo hiểm hưu trí theo Nghị định 46/2023 (Hình từ Internet)

Chính phủ ban hành Nghị định 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, bảo hiểm hưu trí được quy định tại các Điều 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121 Nghị định 46/2023/NĐ-CP như sau:

1. Đặc điểm nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí

Đặc điểm nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí như sau:

- Bảo hiểm hưu trí bao gồm:

+ Bảo hiểm hưu trí cho từng cá nhân;

+ Bảo hiểm hưu trí cho nhóm người lao động (bảo hiểm hưu trí nhóm); bên mua bảo hiểm là chủ sử dụng lao động, người lao động sẽ được nhận toàn bộ quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm sau một thời hạn nhất định theo thỏa thuận giữa các bên và được ghi nhận tại hợp đồng bảo hiểm.

- Sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí có các đặc điểm sau đây:

+ Trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, người được bảo hiểm bắt đầu nhận quyền lợi bảo hiểm hưu trí khi đạt đến tuổi theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, nhưng không thấp hơn độ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại văn bản pháp luật về độ tuổi nghỉ hưu;

+ Cơ cấu phí bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm hưu trí được tách bạch giữa phí đem đi đầu tư và phí ban đầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 99 Nghị định 46/2023/NĐ-CP;

+ Mỗi người được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm hưu trí cá nhân hay hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm có một tài khoản bảo hiểm hưu trí riêng theo quy định tại Điều 118 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.

2. Quyền lợi bảo hiểm cơ bản của hợp đồng bảo hiểm hưu trí

Quyền lợi bảo hiểm cơ bản của hợp đồng bảo hiểm hưu trí như sau:

- Doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động thiết kế sản phẩm bảo hiểm hưu trí nhưng phải bao gồm quyền lợi hưu trí định kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều 115 Nghị định 46/2023/NĐ-CP và quyền lợi bảo hiểm rủi ro theo quy định tại khoản 3 Điều 115 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.

- Đối với quyền lợi hưu trí định kỳ, doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm:

+ Quyền lợi hưu trí được chi trả định kỳ đến khi người được bảo hiểm tử vong hoặc tối thiểu 10 năm, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;

+ Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận về mức hưởng quyền lợi hưu trí mỗi kỳ, số ký nhận quyền lợi hưu trí;

+ Tính lãi tích lũy từ phần quyền lợi hưu trí chưa chi trả cho bên mua bảo hiểm, nhưng không thấp hơn lãi suất đầu tư cam kết tối thiểu thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

- Đối với quyền lợi bảo hiểm rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo bên mua bảo hiểm được hưởng trong thời hạn đóng phí bảo hiểm và có thể tiếp tục cung cấp quyền lợi này trong thời gian nhận quyền lợi hưu trí, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Quyền lợi bảo hiểm rủi ro bao gồm tối thiểu các quyền lợi sau:

+ Quyền lợi trợ cấp mai táng:

Khi nhận được yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm tử vong, bất kể thuộc phạm vi bảo hiểm hay không, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả ngay khoản trợ cấp mai táng cho người thụ hưởng số tiền theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

+ Quyền lợi bảo hiểm tử vong và quyền lợi thương tật toàn bộ vĩnh viễn:

Khi người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn thuộc phạm vi bảo hiểm và trong thời hạn quy định, doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho người thụ hưởng số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;

Bên mua bảo hiểm được lựa chọn số tiền bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và được điều chỉnh số tiền bảo hiểm trong thời gian hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

3. Thiết lập và quản lý quỹ hưu trí tự nguyện

Thiết lập và quản lý quỹ hưu trí tự nguyện như sau:

- Khi triển khai bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện, theo dõi, tách và hạch toán riêng doanh thu, chi phí, tài sản và nguồn vốn của quỹ hưu trí tự nguyện với các quỹ chủ hợp đồng khác và quỹ chủ sở hữu.

- Quỹ hưu trí tự nguyện được hình thành từ phí bảo hiểm và nguồn đóng góp của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ quy định tại khoản 3 Điều 116 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.

- Khi thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm phải sử dụng quỹ chủ sở hữu đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện không thấp hơn 200 tỷ đồng Việt Nam và phải duy trì tối thiểu 200 tỷ đồng Việt Nam tại quỹ này. 

Doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng phần lãi suất đầu tư đối với phần đóng góp này tương ứng với lãi suất đầu tư công bố của quỹ hưu trí tự nguyện.

- Quỹ hưu trí tự nguyện được đầu tư phù hợp quy định hạn mức đầu tư quy định tại mục 4.

- Doanh nghiệp bảo hiểm không được sử dụng tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện để chi trả các khoản tiền phạt do vi phạm pháp luật, các khoản nợ và các giao dịch không liên quan đến quỹ hưu trí tự nguyện.

- Toàn bộ tài sản hình thành từ nguồn phí bảo hiểm phân bổ cho Chủ hợp đồng của quỹ hưu trí tự nguyện thuộc về người được bảo hiểm.

4. Hạn mức đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện

Hạn mức đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện như sau:

- Hạn mức đầu tư vào từng danh mục tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện phải phù hợp với chính sách đầu tư, mục tiêu đầu tư quy định tại phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm đã đăng ký với Bộ Tài chính và quy định tại khoản 2 Điều 117 Nghị định 46/2023/NĐ-CP

Việc đầu tư tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện phải đảm bảo tuân thủ quy định chung về nguyên tắc đầu tư tại khoản 2 Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

- Hạn mức đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện:

+ Gửi tiền tại tổ chức tín dụng: không hạn chế nhưng tối đa 20% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện vào một tổ chức tín dụng;

+ Công cụ nợ của Chính phủ: không hạn chế và bảo đảm tối thiểu 40% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện;

+ Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm: tối đa 25% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện;

+ Cổ phiếu (trừ cổ phiếu của các công ty chứng khoán, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính), trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm, góp vốn vào các doanh nghiệp khác: tối đa 20% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện;

+ Đầu tư vào cổ phiếu đã phát hành của một doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp: tối đa 5% khối lượng mỗi lần phát hành và tối đa 5% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện;

+ Tài sản đầu tư ngoài quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 117 Nghị định 46/2023/NĐ-CP: 0% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện.

5. Tài khoản bảo hiểm hưu trí

Tài khoản bảo hiểm hưu trí quy định như sau:

- Tài khoản bảo hiểm hưu trí là tập hợp các khoản phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi phí ban đầu, được doanh nghiệp bảo hiểm mở, theo dõi và quản lý tách bạch cho từng người được bảo hiểm.

- Doanh nghiệp bảo hiểm phải cam kết lãi suất đầu tư tối thiểu của tài khoản bảo hiểm hưu trí tại hợp đồng bảo hiểm. Cuối mỗi năm tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm công bố lãi suất đầu tư và giá trị tài khoản tích lũy đến thời điểm đó. 

Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm sử dụng tài sản của quỹ chủ sở hữu để bù đắp cho từng tài khoản bảo hiểm hưu trí phần thâm hụt so với lãi suất đã cam kết. 

Trường hợp hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về việc tích lũy các quyền lợi bảo hiểm vào giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí, phần quyền lợi này vẫn được tính lãi tích lũy theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 115 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.

- Người được bảo hiểm không được rút trước hạn tài khoản bảo hiểm hưu trí khi chưa đạt đến độ tuổi nhất định theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp quy định tại Điều 119 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.

6. Rút trước tài khoản bảo hiểm hưu trí

Người được bảo hiểm được quyền yêu cầu rút trước và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trả một phần hoặc toàn bộ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí trong các trường hợp sau đây:

- Người được bảo hiểm bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Người được bảo hiểm mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật.

- Người được bảo hiểm là công dân Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép định cư hợp pháp tại nước ngoài.

- Người được bảo hiểm được rút trước tài khoản hưu trí để thanh toán các khoản vay (trừ các khoản vay tiêu dùng) của cá nhân tại ngân hàng với điều kiện hợp đồng vay phải có hiệu lực ít nhất 24 tháng trước khi được rút tài khoản hưu trí.

7. Chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí

Quy định về chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí như sau:

- Khi người được bảo hiểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc mất việc và không còn là thành viên của hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm, người được bảo hiểm có quyền sau đây:

+ Chuyển giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí từ hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm sang hợp đồng bảo hiểm hưu trí cá nhân với giá trị tương ứng tại cùng doanh nghiệp bảo hiểm; hoặc

+ Chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí của mình sang hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm của doanh nghiệp mới. Hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm mới có thể tại cùng doanh nghiệp bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm khác, tùy thuộc doanh nghiệp mới.

- Đối với trường hợp chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí trong cùng doanh nghiệp bảo hiểm, căn cứ vào văn bản xác nhận đóng phí của bên mua bảo hiểm và văn bản đề nghị chuyển tài khoản của người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chuyển tài khoản theo yêu cầu của người được bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép thu phí chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí.

- Đối với trường hợp chuyển sang hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm tại doanh nghiệp bảo hiểm mới, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí, bằng chứng chứng minh người được bảo hiểm không tiếp tục tham gia hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm tại doanh nghiệp cũ và là thành viên của hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm mới, doanh nghiệp bảo hiểm phải chuyển toàn bộ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí tích lũy đến thời điểm nhận được yêu cầu chuyển tài khoản sang doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao sau khi trừ đi phí chuyển tài khoản (nếu có).

- Giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí được chuyển giao sẽ tích lũy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm mới.

- Doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao không được phép tính phí ban đầu đối với giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí được chuyển giao.

8. Tạm thời đóng tài khoản bảo hiểm hưu trí

Quy định về tạm thời đóng tài khoản bảo hiểm hưu trí như sau:

- Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận về việc tạm thời đóng tài khoản bảo hiểm hưu trí trong trường hợp không có khả năng đóng phí bảo hiểm.

- Trong thời gian tạm thời đóng tài khoản bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm không được phép tính bất kỳ khoản phí nào cho bên mua bảo hiểm. Giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí được tích lũy theo tỷ suất đầu tư do doanh nghiệp bảo hiểm công bố hàng năm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. 

Doanh nghiệp bảo hiểm không có nghĩa vụ chi trả quyền lợi bảo hiểm trong thời gian này, trừ trường hợp chi trả quyền lợi hưu trí định kỳ khi người được bảo hiểm đạt đến độ tuổi nhất định hoặc chi trả toàn bộ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí tích lũy đến thời điểm người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn.

- Bên mua bảo hiểm có thể yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm khôi phục lại tài khoản bảo hiểm hưu trí và tiếp tục đóng phí bảo hiểm.

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,629

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079