Bộ quy tắc về ứng xử ở biển Đông sẽ làm “từng bước một”

18/07/2011 15:50 PM

TTO - Ngày 17-7, Ngài Djauhari Oratmangun, TGĐ phụ trách hợp tác của ASEAN cho biết, Indonesia hi vọng trong năm 2011 sẽ tổ chức được các cuộc gặp liên quan tới Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Ảnh: Khổng Loan

Ảnh: Khổng Loan

Ông không khẳng định hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44 (AMM 44) diễn ra vào ngày 19-7-2011 tại Bali  (Indonesia) sẽ đưa ra được một thỏa thuận với Trung Quốc mang tính ràng buộc, mà cho rằng sẽ phải làm “từng bước một”.

Một trong những vấn đề được đề cập tới, trong rất nhiều vấn đề mà AMM 44 sẽ thảo luận, là tìm cách đưa khối ASEAN và Trung Quốc tiến gần hơn tới việc hoàn tất Bộ quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC). Dự kiến, tại AMM 44 lần này, các bên sẽ một lần nữa kêu gọi duy trì sự tôn trọng đối với tự do hàng hải trên biển Đông, cũng như quy định trong luật pháp quốc tế.

Cách nay gần 10 năm, ASEAN và Trung Quốc đạt được nhất trí DOC nhằm đảm bảo một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên một trong những tuyến hàng hải chiến lược và quan trọng nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, sau những diễn biến căng thẳng vừa qua trên biển Đông, COC có tính ràng buộc pháp lý đang được xem là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Tuy nhiên, ngài Djauhari Oratmangun cho biết, hợp tác của cả khối ASEAN còn nhiều vấn đề quan trọng khác chứ không chỉ là vấn đề biển Đông.

Về vấn đề thị thực chung cho khối ASEAN, ngài Djauhari Oratmangun cho rằng, nếu hướng tới tương lai Cộng đồng ASEAN 2015, ASEAN sẽ phải nghĩ tới khả năng các công dân ở 1 lãnh thổ khác có thể đi lại tự do trong 10 nước thuộc khối ASEAN sau khi có được visa chung, tương tự như chức năng của visa Schegen dành cho 15 nước châu Âu.

“Vấn đề này sẽ được thảo luận trong số các lãnh đạo phụ trách di cư trong ASEAN, sau đó, sẽ báo cáo lên các ngoại trưởng trong những ngày tới, và các ngoại trưởng sẽ tư vấn cho các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11-2011.

Đây được xem như là một trong những đề xuất với hi vọng đem lại lợi ích về thương mại, đầu tư và du lịch cho ASEAN. 

Trong 2 ngày 16 và 17-7, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Bali, cuộc họp lần 4 của nhóm công tác thuộc Uỷ ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) đã thảo luận về quá trình gia nhập SEANWFZ của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Vấn đề sẽ được thảo luận sâu hơn và được báo cáo tới Ủy ban SEANWFZ với sự tham dự của các Ngoại trưởng ASEAN vài ngày tới.

Ảnh: Khổng Loan

Ảnh: Khổng Loan

Năm 2010, tại hội nghị ở Hà Nội, các Bộ trưởng đã nhất trí tiếp tục đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động tăng cường Hiệp ước SEANWFZ; theo đó, tích cực tham vấn và thúc đẩy sự ủng hộ của các quốc gia có vũ khí hạt nhân đối với Hiệp ước này. Indonesia làm chủ tịch Ủy ban SEANWFZ kể từ tháng 01-2011.

AMM 44, các Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN với các đối tác (PMC) và Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 18 (ARF 18) sẽ chính thức diễn ra ra từ ngày 19-24 tháng 7-2011.

Đây là các sự kiện quan trọng để các bộ trưởng ngoại giao bàn bạc, thảo luận về những vấn đề của khu vực và thế giới, chuẩn bị các hội nghị cấp cao của ASEAN  cuối năm 2011. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về hành trình hướng tới Cộng đồng ASEAN 2015, việc áp dụng Hiến chương ASEAN. Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ thảo luận cho việc chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 và các hội nghị thượng đỉnh liên quan sẽ diễn ra tại Indonesia vào cuối năm nay, cũng như sự ra đời của Viện ASEAN vì hòa bình và hòa giải, tương lai của Liên kết ASEAN.

Trong các hội nghị PMC, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN dự kiến sẽ gặp các đối tác đồng cấp từ Úc, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ dưới hình thức gặp từng nước một (ASEAN + 1). Các hội nghị liên quan giữa ASEAN và Đối tác đối thoại ở cấp bộ trưởng, như Mekong-Nhật, hạ lưu Mekong-Mỹ, Đối thoại Tây Nam Thái Bình Dương cùng nhiều cuộc gặp 2 bên, 3 bên khác cũng sẽ diễn ra.

Vào ngày 23-7, ARF 18 sẽ có sự tham gia của 27 nước, trao đổi quan điểm về những thay đổi gần đây ở khu vực và quốc tế, hướng đi tương lai của ARF và các kế hoạch hành động đề xuất cho an ninh hàng hải, không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.

Cho đến nay, tất cả các ngoại trưởng đều đã khẳng định sẽ đến tham dự ARF 18, trừ Thái Lan vì đến nay Thái Lan vẫn chưa chỉ định ngoại trưởng.

Thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sẽ là trưởng đoàn tham dự hội nghị. Việt Nam tham dự hội nghị lần này với mục tiêu tiếp tục phối hợp xây dựng cộng đồng ASEAN, đồng thời phát huy những thành quả đã đạt được tại các hội nghị năm 2010 khi Việt Nam là chủ nhà.

KHỔNG LOAN (Bali, Indonesia)

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,135

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079