Bộ Công Thương giải đáp nhiều vấn đề nóng

04/09/2013 14:16 PM

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 3/9/2013 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chỉ định nhiều đại diện của các vụ, cục chức năng thuộc Bộ trả lời, giải đáp nhiều vấn đề đang được báo giới và dư luận quan tâm.

Trả lời câu hỏi về quá trình xây dựng đề án chống buôn lậu thuốc lá đã được tiến hành tới đâu, ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng quản lý thị trường mỗi năm kiểm tra và xử lý gần 90 ngàn vụ vi phạm, tổng số tiền hàng tịch thu trên 400 tỷ đồng. Riêng mặt hàng thuốc lá, kiểm tra và thu giữ trên dưới 1 triệu bao/năm. 8 tháng đầu năm đã kiểm tra xử lý, bắt giữ 800 nghìn bao thuốc các loại.

Nhưng, những con số này vẫn không phản ánh hết tình hình. Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đã giao cho Cục Quản lý thị trường xây dựng đề án. Trong đó đề cập đến một số vấn đề: tiếp thu những bài học kinh nghiệm trong chống buôn lậu gia cầm vừa qua như sự điều hành quyết liệt và kịp thời của Chính phủ. Mỗi tháng lãnh đạo Chính phủ họp với các cơ quan chức năng, địa phương liên quan để tìm giải pháp kiên quyết chống buôn lậu; sự ra quân quyết liệt và đồng bộ, từ biên giới đến thị trường nội địa, từ Trung ương đến các địa phương; sự hướng dẫn tuyên truyền để người dân thấy rõ tác hại của việc tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.

Với đề án chống thuốc lá lậu, cần giải pháp đồng bộ, thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển các kênh phân phối; tổ chức kiểm tra, kiểm soát; tuyên truyền cho người dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu; làm tốt công tác xây dựng lực lượng; tăng cường hợp tác quốc tế.

Về vấn đề điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua, ông Võ Văn Quyền, Vụ  trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: tháng 6, đầu tháng 7 và tháng 8 giá xăng dầu có điều chỉnh tăng nhưng việc tăng không tức thì theo giá thế giới. Theo Nghị định 84, điều hành giá trong nước bám đuổi theo giá thế giới không có nghĩa được hiểu là giá thế giới lên thì tăng ngay và giá giảm thì giảm ngay mà phải đảm bảo chu kỳ 30 ngày. Việc 3 lần tăng giá xăng dầu vừa qua có ảnh hưởng không nhiều đến CPI.

Đối với việc sửa đổi Nghị định 84, ông Quyền cho biết theo Thông báo 75 của Chính phủ vào tháng 2/2012, giao Bộ Công Thương rà soát, đánh giá lại những mặt được và chưa được của Nghị định 84. Sau khi ban soạn thảo đã đưa ra lấy ý kiến của các bộ, ngành thì Bộ Công Thương đã có đề xuất với Thủ tướng cho phép xây dựng một nghị định mới thay thế vào tháng 6/2013. Trong tháng 8, Bộ đã gửi Bộ Tư pháp toàn bộ nội dung của dự thảo nghị định mới. Bộ Tư pháp lấy ý kiến doanh nghiệp xong sẽ có văn bản thẩm định.

Tư tưởng nhất quán trong nghị định mới vẫn là kiên định theo kinh tế thị trường, gắn với dự trữ lưu thông, đảm bảo cung - cầu cho thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp để trong 5 - 10 năm tới, Nhà nước sẽ rút dần bàn tay khỏi thị trường, lúc đó doanh nghiệp sẽ cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng.

Đánh giá về tầm quan trọng của hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Vụ phó Vụ Thương mại đa biên cho biết, hiệp định TPP vừa kết thúc vòng đàm phán 19 tại Brunei. Các nhà lãnh đạo đặt mục tiêu kết thúc đàm phán vào cuối năm 2013.

Về lợi ích của Việt Nam trong trung hạn, tham gia TPP là cách duy nhất để Việt Nam có quan hệ FTA với Hoa Kỳ, trước một số nước đang phát triển khác, nhất là các nước trong khu vực đang thường xuyên có cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...

Cụ thể, thuế xuất khẩu trong TPP sẽ về 0 trong 10 năm. Như vậy không cần phải có chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP. Đây sẽ là cú hích mạnh cho xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Việc thực hiện cam kết rộng sẽ đặt ra thách thức không nhỏ vì năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế. Nếu doanh nghiệp chuẩn bị không tốt sẽ rất bất lợi trong TPP. Mặt khác, khi có TPP, nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, hiện đã có một số nhà đầu tư đón đầu cơ hội này.

Trước câu hỏi của báo giới liên quan đến vấn đề hủy hợp đồng xuất khẩu 1 triệu tấn gạo, ông Trần Thanh Hải, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, đó là tổng sản lượng gạo bị hủy của nhiều hợp đồng xuất khẩu, chứ không phải là 1 hợp đồng 1 triệu tấn. Cụ thể, tính từ đầu năm 2013 đến nay đã có 958 ngàn tấn gạo bị hủy hợp đồng xuất khẩu, trong đó, 60% số lượng bị hủy là xuất khẩu sang Trung Quốc, sản lượng khoảng 566 ngàn tấn. Lý do hủy hợp đồng là do hết thời hạn giao hàng, khách hàng không mở được L/C...

Hiện nay, nguồn cung hiện đang rất dồi dào, nhiều nước tham gia xuất khẩu gạo cũng đang đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường. Cùng với Việt Nam, Thái Lan, thị trường Trung Quốc đang nổi lên là một đối tác mới. Khuyến cáo gửi tới các doanh nghiệp Việt Nam là cần phải có ràng buộc hợp đồng chặt chẽ, tránh tình trạng hủy hợp đồng như thời gian vừa qua.

Trong khi đó, tính đến hết tháng 8, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt gần 4,4 triệu tấn, các doanh nghiệp cũng đã ký được tổng lượng xuất khẩu 6,1 triệu tấn, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm 2012.

Hồng Thoan

Theo VnEconomy

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,692

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079