“Dở khóc dở mếu“ vì chứng minh thư mới

27/09/2013 10:43 AM

Nhiều khách hàng khác là chủ nhân của những tấm CMND kiểu mới gặp cảnh dở khóc dở mếu vì phải chứng minh "tôi là tôi" khi giao dịch với nhân viên ngân hàng, sở nhà đất và văn phòng công chứng… Khó khăn trên đang làm nảy sinh tâm lý ngại dùng CMND mới trong người dân.

Xin làm lại 9 số

CMND sản xuất bằng công nghệ mới, theo chuẩn chung của quốc tế được đánh giá là khó làm giả và hy vọng tạo sự tin cậy, thân thiện với nhân dân. Tuy nhiên, từ khi ra đời đến nay, xuất hiện tình trạng người dân “khó dùng” vì những hệ lụy của dãy 12 số trên tấm căn cước mới này.


Một số nhân viên các ngân hàng thương mại nói “chưa nhận được hướng dẫn nào” về CMND 12 số. Hình chỉ mang tính minh họa từ Internet

Tấm CMND cũ có dãy số gồm 9 số tự nhiên. Dãy số này được dập bởi “công nghệ” thủ công, bởi vậy có thể lẫn lộn, thiếu chính xác trong quá trình cho số. Dù hiện hữu trên tấm CMND nhưng dãy số này chưa phục vụ được cho mục đích tra cứu, tìm thông tin của một cá nhân. Với CMND cũ này thì tra cứu bằng dấu vân tay là phương pháp hữu hiệu.

Khi chuyển sang CMND mới với 12 số, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính (CSQLHC) về trật tự an toàn xã hội (TTATXH  -Tổng cục VII) Bộ Công an cho biết, mỗi công dân sẽ có một dãy số riêng, duy nhất, không thay đổi trong suốt cuộc đời, kể cả người đó có thay đổi về thông tin nhân thân hay nơi cư trú.

Điều này khắc phục được việc một người có nhiều số hay nhiều người cùng một số do kiểu cấp thủ công lâu nay. Mặt khác, 12 số cũng cho phép tra cứu, tìm kiếm và truy nguyên chính xác đến từng công dân. Những rắc rối với người dân lại phát sinh từ việc chuyển 9 số sang 12 số này.

"Họ nói CMND 12 số không khớp với các thông tin tôi đã lưu tại ngân hàng này. Nghe vậy tôi hoảng vì tiền để trong ngân hàng, chứng minh cũ bị mất,  nhỡ ai lấy được đi rút tiền cũng nguy. Tôi đành quay về quận xin cấp lại CMND kiểu cũ, đúng với 9 số của mình trước đây. Lúc đó, ngân hàng mới chấp nhận. Cũng từ đó đến nay, tấm CMND mới tôi cất vào tủ làm… kỷ niệm”, một người dân ở Cầu Giấy (Hà Nội) nói về sự phiền phức khi sử dụng CMND 12 số.

Phản ánh với PLVN, chị M. ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, thời điểm bắt đầu triển khai cấp CMND mẫu mới, chị bị mất giấy tờ tùy thân. Khi nghe thông tin tấm căn cước mới có nhiều ưu việt, dù ở Cầu Giấy nhưng chị đã “chạy” lên tận Phòng CSQLHC về TTATXH (Công an Hà Nội) xin cấp mẫu mới để thỏa sự tò mò.

Nhưng chị đã chuốc lấy rắc rối. Khi mang tấm CMND mới này ra ngân hàng giao dịch thì không được chấp nhận do các giao dịch gửi tiền trước đây của chị được thực hiện bằng CMND 9 số cũ.

“Họ nói CMND mới 12 số là không khớp với các thông tin tôi đã lưu tại ngân hàng này. Nghe vậy tôi hoảng vì tiền để trong ngân hàng, chứng minh cũ bị mất, nhỡ ai lấy được đi rút tiền cũng nguy. Tôi đành quay về quận xin cấp lại CMND kiểu cũ, đúng như 9 số của mình trước đây. Lúc đó, ngân hàng mới chấp nhận. Cũng từ đó đến nay, tấm CMND mới tôi cất vào tủ làm… kỷ niệm”.

Cũng giống như chị M, chị T. ở quận Ba Đình (Hà Nội) cũng cho PLVN biết, chị đã làm CMND mẫu mới nhưng chỉ để “chơi” chứ chưa đưa ra giao dịch lần nào vì đã nghe nói những phiền phức sẽ gặp khi sử dụng nó. “Tôi mới chỉ rút ra vài lần để khoe bạn bè về mẫu CMND mới mà thôi”, chị T. kể.

Nơi biết, nơi không

Công luận từng phản ánh một trường hợp khác bị “hành” vì CMND mới, đó là trường hợp của chị Phạm Thúy H. ở khu tập thể Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội). Chị bị mất toàn bộ giấy tờ, trong đó có CMND, thẻ ATM... nên xin cấp lại CMND mẫu mới. Khi đến một ngân hàng trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội làm thủ tục thế chấp vay tiền thì bị nhân viên ở đây từ chối cũng vì lý do CMND mới 12 số không chứng minh được chị là người trong CNMD cũ 9 số.

Chị được hướng dẫn cầm “sổ đỏ” đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Cầu Giấy để khớp lại thông tin. Nhưng cán bộ Phòng TN&MT hướng dẫn chị phải đến UBND phường xin xác nhận. Phường hướng dẫn trái khoáy, cuối cùng chị phải “chạy” lên Công an huyện Từ Liêm và phải mất 10 ngày mới có trong tay xác nhận 9 hay 12 số đều là chị!

Thời điểm chị H. gặp rắc rối rơi vào những ngày đầu tiên ra đời CMND mẫu mới và sự lúng túng của các cơ quan liên quan là điều dễ hiểu. Nhưng đến hôm nay, sau một năm triển khai cấp thí điểm mà nhiều cơ quan vẫn chưa thong về vấn đề này mới là điều đáng phải nói.

Cuối tuần qua, khi phóng viên đi thực tế tại phòng giao dịch của một số ngân hàng thương mại thì vẫn thấy có  tình trạng nơi biết, nơi không về chủ trương này. Theo một nhân viên giao dịch của Ngân hàng VP Bank, không có hướng dẫn nào của cơ quan chức năng về CMND mới nhưng vì “linh động” và muốn giữ mối nên ngân hàng này đã hướng dẫn cho giao dịch viên yêu cầu khách đăng ký thay đổi thông tin.

Còn đại diện của ngân hàng Vietcombank cho biết, khi khách hàng đổi sang CMND mới sẽ có hai cách để khách lựa chọn: nếu khách không bị thu CMND cũ thì đem CMND này đến để làm thủ tục thay đổi thông tin khách hàng; còn nếu không còn CMND cũ thì khách hàng cần phải đi xin xác nhận của cơ quan Công an về việc hai số CMND đều là của một cá nhân thì ngân hàng mới chấp nhận giao dịch.

Tại một ngân hàng khác trên phố Đào Tấn, khi phóng viên hỏi CNMD mới có giao dịch được không, nhân viên ngân hàng còn tỏ vẻ ngạc nhiên chưa biết đến CMND mẫu mới như thế nào. Sau khi được phóng viên mô tả “mới” ra sao thì nhân viên này nói nếu là khách quen thì vẫn có thể giao dịch, còn khách lạ thì chưa biết phải làm thế nào?.

Phan Thanh - Võ Tuấn

Theo Pháp luật VN

Chia sẻ bài viết lên facebook 37,782

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079