Bộ Y tế hướng dẫn giám sát bệnh COVID-19

03/11/2023 18:00 PM

Sau khi Covid-19 thành bệnh truyền nhiễm nhóm B thì Bộ Y tế hướng dẫn giám sát bệnh COVID-19 như thế nào? - Bình An (Bình Thuận)

Hướng dẫn giám sát bệnh COVID-19

Bộ Y tế hướng dẫn giám sát bệnh COVID-19 (Hình từ internet)

Hướng dẫn giám sát bệnh COVID-19

Ngày 29/10/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3985/QĐ-BYT hướng dẫn giám sát và phòng, chống COVID-19.

Theo đó, tại Mục II của Hướng dẫn giám sát và phòng, chống COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định 3985/QĐ-BYT có hướng dẫn giám sát bệnh COVID-19 như sau:

1. Định nghĩa ca bệnh

1.1. Ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát) là một trong các trường hợp sau:

a) Là người có biểu hiện triệu chứng:

- Sốt và ho; hoặc

- Có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; đau người; mệt mỏi; ớn lạnh; ho; nhức đầu; đau họng chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn, nôn; tiêu chảy; khó thở.

b) Là trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARI), viêm phổi nặng nghi do vi rút (SVP).

1.2. Ca bệnh xác định là một trong số các trường hợp sau:

a) Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của vi rút (Realtime RT-PCR).

b) Là ca bệnh nghi ngờ (nêu tại mục 1.1) và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

2. Định nghĩa ổ dịch

2.1.  dịch: Là nơi có ít nhất 2 ca bệnh có liên quan dịch tể với nhau*, trong đó có ít nhất 1 ca bệnh xác định. Tùy theo mức độ liên quan dịch tễ, xác định phạm vi ổ dịch phù hợp với thực tế: hộ gia đình/nơi lưu trú, cụm hộ gia đình, phòng làm việc, lớp học hoặc tương đương.

* Người có yếu tố dịch tễ là người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc có liên quan tới chùm ca bệnh xác định.

2.2.  dịch chấm dứt hoạt động: Ổ dịch được xác định là kết thúc khi sau 8 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày ca bệnh xác định cuối cùng được phát hiện và quản lý.

3. Nội dung giám sát

- Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh (biến chủng mới, biến thể mới, tăng bất thường,...) trong nước, trên thế giới để đánh giá tình hình dịch bệnh.

- Lấy mẫu 5-10 trường hợp đầu tiên đối với những nơi có nhiều người nghi ngờ mắc bệnh để xác định ổ dịch.

- Lấy mẫu xét nghiệm sớm đối với những trường hợp bệnh viêm đường hô hấp nặng hoặc người có triệu chứng nghi ngờ thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người cao tuổi; người có bệnh nền nặng như tiểu đường/tim mạch kể cả cộng đồng và cơ sở điều trị; những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch; phụ nữ có thai).

- Lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng Cúm (ILI), giám sát viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của vi rút SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của vi rút.

4. Quy trình, kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm

- Quy trình, kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm được hướng dẫn tại Phụ lục 1.

- Phiếu yêu cầu và báo cáo kết quả xét nghiệm tại Phụ lục 3.

5. Thông tin, báo cáo

Thực hiện thông tin, báo cáo trong vòng 24 giờ theo mẫu tại Phụ lục 2 vào hệ thống thông tin quản lý bệnh truyền nhiễm qua công cụ báo cáo (eCDS) áp dụng đối với các bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Quyết định 3985/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 29/10/2023.

Trịnh Thị Hồng Vân

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,447

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079